Dự án thủy điện Thượng Kon Tum: Chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc

(SGGP).- Khởi công từ cuối năm 2009, sau gần 5 năm triển khai dự án thủy điện Thượng Kon Tum, chủ đầu tư công trình là Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc do chậm tiến độ và bỏ thi công giữa chừng.

Là công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, dự án thủy điện Thượng Kon Tum được xây dựng tại xã Đăk Tăng và Ngọc Tem, huyện Kon Plông được Chính phủ phê duyệt thuộc cấp II, nhóm A, có nhiệm vụ khai thác thủy năng sông Đăk Nghé (thuộc hệ thống sông Sê San) cung cấp điện năng cho lưới quốc gia; đồng thời bổ sung nguồn nước phục vụ dân sinh, nông nghiệp và công nghiệp vùng hạ lưu. Công trình có công suất 220 MW (gồm 2 tổ máy), điện lượng trung bình đạt gần 1,1 tỷ kWh/năm với tổng vốn đầu tư 5.744 tỷ đồng. Hai hạng mục quan trọng nhất của công trình là đường hầm dẫn nước và cụm nhà máy, do liên danh nhà thầu, Viện Thiết kế Hoa Đông (thuộc Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc) và Cục Đường sắt Trung Quốc, thi công từ năm 2011. Lúc thi công cao điểm, trên công trường có hơn 300 lao động Trung Quốc làm việc, song từ đầu tháng 7-2014 đến nay, không khí tại hạng mục đường hầm dẫn nước xuyên núi dài trên 2km từ xã Đăk Tăng đến xã Ngọc Tem của công trình thủy điện Thượng Kon Tum đìu hiu và vắng lặng. Trên công trường chỉ còn lại vài nhân viên quản lý của nhà thầu Trung Quốc. Toàn bộ thiết bị, máy móc cơ giới, máy khoan… để thi công đã được nhà thầu Trung Quốc tháo gỡ và tập kết ngay trước cửa hầm. Hầu hết lực lượng thi công đã được nhà thầu đưa về nước.

Lãnh đạo VSH cho biết, đến trung tuần tháng 8-2014, đơn vị thi công chỉ đào được 5km đường hầm dẫn nước, trong tổng số gần 20km toàn tuyến. Lẽ ra nhà thầu phải khắc phục việc chậm tiến độ, tổ chức thi công khẩn trương hạng mục này, nhưng lại yêu cầu chủ đầu tư bổ sung kinh phí 800 tỷ đồng vì lý do rò rỉ nước ngầm; chi phí ảnh hưởng của đường vào công trường; tăng chi phí trượt giá cho những khối lượng thi công không đúng tiến độ. Theo tính toán của VSH, riêng việc đào hầm đã chậm gần 2 năm so với tiến độ hợp đồng và chậm hơn 1 năm so với tiến độ hiệu chỉnh. Điều này khiến cho nhà máy thất thu từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng/năm vì chậm tiến độ.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục