Dự án “Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM” đi vào hoạt động

Ngày 11-10, Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh TPHCM tổ chức kỷ niệm 45 năm thành lập (1979- 2024).

IMG_1763.jpg
Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM đón nhận quyết định xếp hạng I từ Bộ VH-TT-DL

Dịp này, bảo tàng đón nhận quyết định xếp hạng I từ Bộ VH-TT-DL và tiếp nhận bàn giao Dự án “Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM” từ Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Công ty Cổ phần Meta Art và Tạp chí Vietnam Travel. Dự án góp phần đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, bước đầu thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số của bảo tàng nói riêng và hoạt động chuyển đổi số của thành phố nói chung.

IMG_1788.JPG
Không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh TPHCM

Đây là dự án bảo tàng ảo được tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến trên một nền tảng VR/AR/MR. Du khách có thể trải nghiệm hoàn toàn trong không gian bảo tàng ảo khi đeo kính VR3D hoặc có thể trải nghiệm từ xa thông qua điện thoại thông minh, Ipad và các loại màn hình tương tác có kết nối Internet.

IMG_1780.JPG
Khách tham quan bảo tàng

Kỷ niệm 45 thành lập, bảo tàng khai mạc chuyên đề: “Hồ Chí Minh – Tên Người sáng mãi”, giới thiệu đến công chúng 39 hiện vật là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM và Bảo tàng Hồ Chí Minh ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế đem đến 20 tác phẩm hội họa, điêu khắc của 21 nghệ sĩ, trong đó có 2 tác giả là người nước ngoài với nhiều chất liệu phong phú.

IMG_1777.JPG
Khách tham quan bảo tàng

Tiêu biểu là Tác phẩm tranh cổ động “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” ra đời vào năm 1970 của hai họa sĩ nổi tiếng Việt Nam là họa sĩ Nguyễn Thụ và họa sĩ Huy Oánh. Bức chân dung "Chủ tịch Hồ Chí Minh họa trên máy đánh chữ" của ông Ngô Mạnh Tiên được ông sáng tác từ sau năm 1975…

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM giới thiệu 17 hiện vật độc đáo từ chất liệu đến hình thức thể hiện như: sơn dầu, vẽ ngược kính, đá quý, nhựa, da, cát, tóc, gạo, inox, dây điện thoại, đá hoa cương..., có tác giả là họa sĩ tên tuổi với nhiều sáng tác về Bác Hồ như họa sĩ Hoàng Hoa Mai; nhiều tác giả là nghệ nhân dân gian, như nghệ nhân Ý Lan, người khai sinh ra dòng tranh cát; tác giả Đinh Gia Diên sáng tác với đá quý; tác giả Đỗ Đình Cường với chất liệu hạt nút và vật liệu may; có những tác phẩm được lấy từ nguyên mẫu các bức ảnh lịch sử nhưng cũng có tác phẩm hình thành trong trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ.

Tin cùng chuyên mục