(SGGPO). - Dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ, Hải Phòng (PVTex) có nguồn vốn hợp tác đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng dự án này sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất đã thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Quá trình thực hiện đầu tư PVTex đã có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm gây thất thoát và lãng phí lớn... Đây là nội dung quan trọng trong Kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng PVTex vừa được Thanh tra Chính phủ công bố.
PVTex đầu tư với nguồn vốn khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng hoạt động thua lỗ
Theo kết luận thanh tra, dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) hợp tác đầu tư với nguồn vốn khoảng 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất đã thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân thua lỗ là do PVTex, PVN, Vinatex, các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư và xây dựng dự án. Trong đó, Vinatex là tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may đã thiếu trách trách nhiệm trong việc góp vốn điều lệ, không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án. PVN là tập đoàn có vốn chi phối tại PVTex nhưng trong quá trình điều hành, giám sát còn nhiều vi phạm, thiếu sót, chưa thực hiện hết trách nhiệm đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVTex để đảm bảo việc thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước, trách nhiệm của chủ sở hữu vốn Nhà nước tại PVN, Vinatex đã không thường xuyên kiểm tra giám sát trong việc thực hiện những mục tiêu chiến lược ngành dầu khí, cũng như trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch và chuyển nhượng vốn của Vinatex và Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú cho PVN.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, sai phạm của chủ đầu tư PVTex trong quá trình quyết định dự án đầu tư, phê duyệt tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu, nội dung hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 và 2 của gói thầu EPC, kết quả đấu thầu gói thầu EPC, đều có liên quan đến chỉ đạo điều hành của PVN. Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc PVTex phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và tổng mức đầu tư khi không tổ chức thẩm định; nội dung dự án không đảm bảo phù hợp, đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tổng thể; phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chi phí vốn lưu động, tăng sai một số khoản chi phí trị giá hơn 38 triệu USD. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc PVTex phê duyệt hồ sơ mời thầu nhưng không tổ chức thẩm định và có báo cáo thẩm định; thư mời thầu thiếu thông báo thời điểm đóng thầu và mở thầu; nội dung hồ sơ mời thầu chưa phù hợp quy định; các chi phí trong nước không sử dụng bằng đồng tiền Việt Nam làm tăng chi phí chênh lệch tỷ giá ngoại tệ hơn 46 tỷ đồng khi thanh toán; nghiệm thu tăng sai, trùng lắp khối lượng so với hồ sơ hoàn công một số hạng mục công trình với giá trị 23.046,6 USD và hơn 8 tỷ đồng.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những sai phạm tại dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ vì quá trình thực hiện đầu tư dự án PVTex đã có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát và lãng phí lớn vốn đầu tư. Đồng thời, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu PVN đánh giá toàn diện thực trạng dự án, đề xuất phương án xử lý phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Về xử lý trách nhiệm hành chính, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo và thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân tại Bộ Công Thương, PVN và Vinatex.
Hàng loạt dự án đội vốn, thua lỗ Thanh tra Chính phủ cũng công bố kết luận thanh tra 3 dự án nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước với nhiều sai phạm. Theo đó, từ tháng 10-2007 đến tháng 3-2009, PVN đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và một công ty liên danh để thực hiện 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu tại 3 miền Bắc, Trung, Nam gồm 3 nhà máy tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước. Công suất mỗi nhà máy 100 triệu lít/năm, nguồn vốn do các cổ đông đóng góp 30%, vay tín dụng thương mại 70%. Tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt đối với 3 dự án này là hơn 4.300 tỷ đồng nhưng sau đội vốn lên gần 5.400 tỷ đồng. Trong đó, dự án tại Phú Thọ có mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, sau tăng lên 2.500 tỷ đồng. Dự án Phú Thọ đã dừng thi công từ tháng 11- 2011 và tới nay hạ tầng nhà máy xuống cấp nghiêm trọng. Dự án tại Dung Quất có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sau tăng lên 2.100 tỷ, dự án đã đầu tư xong, đã thanh toán nhưng chưa quyết toán và hầu như không vận hành thương mại vì thua lỗ. Dự án Bình Phước với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng sau tăng lên 1.700 tỷ đồng, dự án đã đầu tư xong nhưng hầu như không vận hành thương mại vì giá thành sản xuất sản phẩm cao khiến nhà máy thường xuyên đắp chiếu. |
QUỐC LẬP