Chiều 20-2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), thực tiễn chỉ ra rằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua thường xuyên điều chỉnh, thay đổi thiếu ổn định, trong đó không ít trường hợp là vì lợi ích nhóm.
Dự thảo Luật Đất đai quy định việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các căn cứ để điều chỉnh quy định quá rộng và thiếu cụ thể nên rất dễ bị lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt. Bên cạnh đó, cần xem lại thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch quy định có quá rộng không?
“Theo tôi, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận huyện phải do cấp tỉnh quyết định. Không nên quy định như dự thảo Luật Đất đai cấp nào có thẩm quyền quy hoạch cấp đó quyết định thay đổi, điều chỉnh quy hoạch”, GS Trần Ngọc Đường nêu.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Cùng với việc xem xét lại việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp trong quy hoạch và thay đổi quy hoạch, GS Trần Ngọc Đường đề nghị ban soạn thảo xem xét lại việc phân cấp, phân quyền trong thu hồi đất, thẩm quyền thẩm định giá đất thu hồi…, đây là những vấn đề còn rất nóng trong thực tế, cần phải quy định rất chặt chẽ.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật cho rằng, thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người, do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật, hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật, về sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp.
Bởi vậy, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp. Đồng thời, mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất, vì nhân dân thiệt nhất là về giá đất.
Đồng tình với việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, tuy nhiên, các đại biểu băn khoăn về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam băn khoăn về việc không có sự phân biệt trong bồi thường, hỗ trợ cho các trường hợp thu hồi đất khác nhau (nhất là cho các dự án mà mục đích cuối cùng là thu lợi nhuận của các nhà đầu tư), đây vốn là điểm nóng của khiếu nại, khiếu kiện, của tham nhũng đất đai và bất công xã hội.
Ông đề nghị dự án phát triển thương mại cần có chính sách bồi thường riêng để bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích. Đồng thời, trường hợp thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại, nên chăng các loại dự án này phải gắn với điều kiện có sự đồng thuận của trên 80% hộ gia đình có đất dự định thu hồi.
TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, tỷ lệ đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đất đai là khoảng 70% trên tổng lượng đơn thư hàng năm. Các khiếu kiện và tố cáo, tố giác sai phạm về đất đai có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân là do công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính, quy hoạch sau đó tìm cách điều chỉnh nhằm phục vụ mục đích các nhân, lợi ích nhóm…
Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, có thể hàng trăm năm mà không nên hạn chế thời hạn quy hoạch dưới 50 năm…