Trái ngược với khung cảnh đó, ở Mardin, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành phố gần biên giới với Syria, trẻ em đang có cơ hội trải nghiệm mới.
Ước tính, có khoảng 100.000 người tị nạn đã định cư ở Mardin. Tại đây, chương trình Phòng tối Sirkhane đang mang đến cho trẻ em và thanh thiếu niên tị nạn cơ hội ghi lại trải nghiệm của bản thân bằng việc phát máy ảnh và sử dụng ảnh của các em. Đó là hình ảnh cô gái với mái tóc dài xõa ra để tạo thành hình trái tim; là những chiếc đĩa quay tít trên đầu gậy khẳng khiu dưới bầu trời đầy mây…
Dự án được thành lập tại khu vực này vào năm 2017, và 2 năm sau đó xuyên dọc biên giới để cung cấp các hội thảo nhiếp ảnh di động. Serbest Salih, người điều hành chương trình, tập hợp những người tị nạn trẻ tuổi và người dân địa phương để dạy họ cách sử dụng máy ảnh cơ, giúp họ in ảnh.
Anh cho biết đây là lối thoát quan trọng cho giới trẻ lớn lên giữa các cuộc xung đột, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khiến các em càng khó tiếp cận giáo dục. Salih nói thêm: Những bức ảnh có sức ảnh hưởng rất lớn, cho chúng ta thấy cuộc sống của các em theo những cách khác nhau. Các em tự thực hiện tất cả quá trình sáng tác, từ chụp ảnh đến xử lý trong phòng tối. Với nhiều em, ban đầu, nó giống như phép thuật khi những hình ảnh từ từ xuất hiện trên giấy khi nhúng vào nước rửa phim.
Các em học cách chụp, rửa phim và in ảnh cũng như tìm hiểu các yếu tố cơ sở để tạo nên một hình ảnh tuyệt vời. Hơn 100 ảnh đen trắng đã được xuất bản trong cuốn I Saw the Air Fly, chứng minh rằng nhiếp ảnh có thể là một phương tiện chữa lành vết thương cho mọi người, chứ không chỉ là một cách để người khác ghi lại khoảnh khắc nào đó của họ.
Đến từ TP Kobane của Syria, Salih theo học ngành nhiếp ảnh tại Đại học Aleppo vào năm 2012 trước khi buộc phải chạy trốn khỏi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng 2 năm sau đó. Khi chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, anh không thể nói tiếng địa phương, vì vậy việc chụp ảnh trở thành một cách thể hiện bản thân quan trọng. Khả năng kết nối mọi người là trọng tâm trong sứ mệnh của Salih khi anh đồng sáng lập Phòng tối Sirkhane, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương thường tổ chức các buổi hướng dẫn nghệ thuật, âm nhạc cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Salih nói: Chúng tôi gặp nhiều người có nguồn gốc khác nhau, người tị nạn và người địa phương, nói những ngôn ngữ tương tự (như tiếng Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Arab), nhưng họ chưa bao giờ giao tiếp. Chúng tôi đã có ý tưởng sử dụng nhiếp ảnh như một liệu pháp để họ thể hiện bản thân và khiến tất cả các cộng đồng này xích lại với nhau thông qua nhiếp ảnh.
Trong các buổi hội thảo, Salih cho các em xem máy ảnh kỹ thuật số và máy ảnh cơ, hướng dẫn những kiến thức cơ bản về bố cục và kỹ thuật hình ảnh, đồng thời cung cấp máy ảnh, phim đủ để chụp trong vài tuần. Sau đó, Salih dạy cách rửa ảnh và in phim trước khi giúp các em xác định những hình ảnh đẹp nhất của mình. Mặc dù dự án gặp nhiều khó khăn, với những trở ngại khác nhau, từ gây quỹ đến mua vật liệu trong phòng tối, Salih vẫn hy vọng nỗ lực sẽ tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của học viên nhí của mình. Khi thấy kết quả tuyệt vời của những bức ảnh, bọn trẻ bắt đầu... tin vào chính mình.