Dự án nhà ở thương mại: Cân nhắc phạm vi và mức độ thí điểm

ĐB Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, nên cân nhắc phạm vi và mức độ thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, chỉ nên tập trung thí điểm chính sách này tại các đô thị lớn.

ĐB Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An)
ĐB Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An)

Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 13-11 về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, ĐB Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, nên cân nhắc phạm vi và mức độ thí điểm.

Theo ông, tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở tại Việt Nam nằm trong top 3 thế giới, lên tới 90%, sau Rumani, Trung Quốc. Lưu ý rằng nhu cầu sở hữu nhà chỉ tập trung ở các đô thị lớn, như tại Hà Nội mỗi năm cần khoảng 50.000 căn, tương tự TPHCM, ĐB bình luận: “Chỉ nên tập trung thí điểm chính sách này tại các đô thị lớn, nơi có nhu cầu nhà ở xã hội lớn để tăng cung, giảm giá nhà xuống, đáp ứng nhu cầu người dân”.

ĐB Hoàng Minh Hiếu lưu ý, chính sách thí điểm này nếu các điều kiện không được quy định chặt chẽ có thể dẫn tới phát triển ồ ạt, dư thừa nguồn cung, tiền đầu tư bị “chôn” trong dự án bất động sản, gây lãng phí.

“Trường hợp Trung Quốc, sau thời kỳ “bung” ồ ạt, đang dư 90 triệu căn hộ, và khoảng 20 năm không tiêu thụ hết số lượng căn hộ này”, ĐB dẫn chứng.

ĐỖ ĐỨC DUY.jpg
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy phát biểu tại tổ đại biểu 15

Là ĐB tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh sự cần thiết ban hành dự thảo nghị quyết. Theo ông, bản chất việc thực hiện thí điểm là để “bổ sung hình thức tiếp cận đất đai trong làm nhà ở thương mại”.

Trước ý kiến băn khoăn nội dung trong dự thảo nghị quyết có chỗ chồng lấn với Luật Đất đai (luật có quy định những trường hợp được phép nhận chuyển quyền sử dụng đất), ông Duy giải thích, trong dự thảo nghị quyết, Chính phủ đã thiết kế thêm khoản 5, Điều 1 là loại trừ các dự án mà đã được Luật Đất đai 2024 cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất.

“Trường hợp nào đã được điều chỉnh bởi Luật Đất đai 2024 thì loại trừ phạm vi điều chỉnh bởi nghị quyết này”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

ĐỒNG.jpg
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

Liên quan tiêu chí thực hiện thí điểm, dự thảo nghị quyết quy định không quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở), ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) băn khoăn: “Việc đưa ra tiêu chí diện tích đất ở không vượt quá 30% là một bước quan trọng, nhưng cần làm rõ hơn cơ sở để đưa ra con số 30% của tiêu chí này. Nhất là tại các địa phương như Hà Nội và TPHCM là các thành phố lớn hoặc những địa phương có nhiều dự án vướng mắc, cần ưu tiên các dự án phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường địa phương. Đồng thời, cần tránh phát sinh thủ tục hoặc cơ chế “xin - cho” gây khó khăn cho nhà đầu tư”.

Giải thích cho ĐB Hà Sỹ Đồng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói, Nghị quyết 18 của Trung ương (Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao – PV) có quy định, thực hiện giao đất, cho thuê đất, chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Như vậy, nghị quyết của Trung ương quy định sẽ chủ yếu lựa chọn 2 hình thức: đấu giá và đấu thầu.

Vì thế, hình thức thứ 3 là nhận chuyển quyền hoặc hình thức thứ 4 là chuyển mục đích sử dụng đất với đất đang sử dụng, nếu thực hiện thì cũng không phải là chủ yếu, cho nên, Chính phủ đề xuất tối đa 30%; 70% còn lại thực hiện theo phương thức đấu thầu, hoặc đấu giá theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18 của Trung ương.

Tin cùng chuyên mục