Xã hội hóa chương trình phát triển nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân đang được TPHCM khuyến khích.
Tạo điều kiện về chỗ ở cho người lao động
Theo quy hoạch, diện tích Khu y tế kỹ thuật cao có quy mô 37,5ha bao gồm, đất xây dựng các khu chức năng, đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án, trường học, cây xanh thể dục thể thao, giao thông, đất công trình hạ tầng kỹ thuật...
Dân số toàn bộ dự án dự kiến là 8.000 người, mật độ xây dựng là 30,58%, hệ số sử dụng đất tối đa là 3,3 tầng cao xây dựng tối đa là 36 tầng. Từ quy hoạch ban đầu, khu nhà ở phục vụ cho CBNV được UBND TPHCM trình văn bản số 3588/UBND-ĐT ngày 7-6-2008 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trong văn bản 925/TT/KGVS ngày 21-6-2008.
Đại diện Tập đoàn Hoa Lâm cho biết, từ mong muốn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ y bác sĩ, đội ngũ cán bộ công nhân viên có được chỗ ở ổn định để yên tâm công tác, chủ đầu tư đã kiến nghị UBND TPHCM cho điều chỉnh mục tiêu từ căn hộ phục vụ khu y tế sang ưu tiên bán cho y bác sĩ, cán bộ công nhân viên làm việc tại Khu Y tế Kỹ thuật cao tại diện tích D2 (hơn 12 ngàn mét vuông) và D3 (gần 12 ngàn mét vuông) nằm trong khuôn viên Khu Y tế Kỹ thuật cao.
Cơ sở pháp lý để chủ đầu tư xin chủ trương này là căn cứ vào văn bản số 11243/BTC-QLCS của Bộ Tài chính, trong đó Bộ Tài chính nêu rõ: “Trường hợp Công ty Hoa Lâm – Shangri – La đã nộp toàn bộ tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất đối với phần diện tích đất quy hoạch xây dựng nhà ở theo chính sách và giá đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm được nhà nước cho thuê đất; không hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất thì công ty có quyền được xây dựng nhà ở, căn hộ để bán và cho thuê cho các đối tượng được mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở”.
Về phía lãnh đạo TPHCM, sau khi nhận được đề nghị thay đổi từ “phục vụ” thành từ “ưu tiên bán” cho khu nhà D2, D3 thuộc Khu Y tế kỹ thuật cao, lãnh đạo thành phố đã giao cho các sở ngành liên quan phối hợp, tham mưu, đề xuất, dự thảo văn bản để thành phố xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong văn bản số 5594/UBND–DA ngày 8-9-2017 gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM nêu rõ thành phố thống nhất với ý kiến của Bộ Tài chính về việc nhà đầu tư được xây dựng nhà ở, căn hộ để bán và cho thuê cho các đối tượng được mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. Thành phố trình Thủ tướng xem xét có ý kiến chỉ đạo về điều chỉnh mục tiêu đầu tư của dự án.
Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh mục tiêu đầu tư của dự án với hạng mục khu nhà từ “căn hộ phục vụ” sang “ưu tiên bán” thì kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất.
Thẩm quyền thuộc UBND TPHCM
Ngày 21-9-2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 10028 nêu rõ “Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TPHCM xử lý theo quy định”. Tiếp đó lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch đầu tư tham mưu trình UBNDTP. Trong văn bản trình UBNDTP ngày 16-10-2017, Sở Kế hoạch Đầu tư khẳng định, việc điều chỉnh mục tiêu đầu tư của lô D2, D3 thuộc quyền xử lý của UBND TP theo quy định.
Khi có đầy đủ ý kiến tham mưu, đề xuất của các Sở, ngành, UBND TPHCM đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đối với khu nhà ở D2, D3, trong đó chấp thuận cho chủ đầu tư được điều chỉnh mục tiêu dự án. Chủ đầu tư được xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế Kỹ thuật cao).
Để có cơ sở xác định nghĩa vụ thuế, ngày 1-12-2017, UBND TPHCM có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển hình thức sử dụng đất từ “căn hộ phục vụ” sang “căn hộ (ưu tiên bán)” đối với khu D2, D3, từ đó thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan, rà soát, tham mưu UBND thành phố phương án tính thuế đối với nhà đầu tư.
Tiếp đó, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND TPHCM xác định tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê theo quy định để chủ đầu tư nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước và không phải nộp tiền chậm nộp đối với khoản thu bổ sung này trong thời gian trước khi được xác định lại. TPHCM truy thu đối với các khoản chủ đầu tư đã được ưu đãi (miễn giảm) theo chính sách xã hội hóa trước đây đối với phần diện tích làm nhà ở.
Được biết, sau khi được TPHCM ra quyết định cho thuê đất, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Hoa Lâm – Shangri-La đã có văn bản số 51/HL-SRL ngày 22-1-2009 xin từ chối quyền miễn nộp 100% tiền thuê đất diện tích đầu tư xây dựng các cơ sở y tế và khu chức năng với diện tích hơn 196 ngàn mét vuông (miễn tiền thuê đất với diện tích đất giao thông, cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật) và xin được áp dụng hình thức cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê… Những kiến nghị này sau đó được Bộ Tài chính, UBND TPHCM đồng ý, chấp thuận.
Nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội rất lớnNhu cầu nhà ở cho cán bộ công nhân viên nói riêng và những người có mức thu nhập chưa cao hiện nay vẫn rất lớn. Trong khi nhu cầu thì quá lớn, nhưng ngân sách nhà nước khó đảm đương nổi. Chính vì thế, sự tham gia của các thành phần kinh tế vào chương trình này là rất cần thiết. Theo khảo sát của Sở Xây dựng TPHCM, thành phố có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ). Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở. Có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội và khoảng 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Có khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư. Theo một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát thì có đến 65% đến 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội. Người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Trong đó, có 274.622 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Số lượng công nhân ngoại tỉnh là 189.489 người, chiếm 69% tổng số lao động. Số lượng công nhân làm việc trong các doanh nghiệp FDI là 194.757 người, chiếm tỷ lệ 71%. Đáng lưu ý là Công ty Giày Pouyuen tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, nằm ngoài khu công nghiệp, có số lượng công nhân rất lớn, hơn 100.000 người (khoảng 80% là người ngoại tỉnh). Hàng năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới. Có hơn 500.000 sinh viên đại học, cao đẳng. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 01 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm. Một trong những rào cản đối với người có thu nhập thấp đô thị khi tạo lập nhà ở là hiện nay thị trường thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỷ đồng trở lại); thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp. Giá nhà cao, gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân. Trong lúc ở các nước phát triển thì giá nhà chỉ gấp từ 5-7 lần thu nhập bình quân. Nhà nước chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên. Ngoại trừ giai đoạn 2013-2016, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (thực chất đã giải ngân được đến 34.826 tỷ đồng) đã hỗ trợ cho 56.240 người có nhu nhập thấp được vay mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn. Chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 cũng chỉ mới hỗ trợ tín dụng thuê mua nhà được khoảng 1.000 tỷ đồng, trả góp trong 15 năm. Riêng TPHCM đang thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ công chức, viên chức nhà nước, với suất được vay lên đến 900 triệu đồng, lãi suất vay 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm để mua nhà. (Suất vay năm 2006 là 400 triệu đồng, sau lên 600 triệu đồng và hiện nay là 900 triệu đồng). Đến nay, đã giải ngân được khoảng 1.500 tỷ đồng cho hơn 4.000 người (chủ yếu là ngành y tế, giáo dục). Kết quả này đáng khích lệ, nhưng cần có nguồn lực lớn hơn để giải quyết cho nhiều người hơn để đảm bảo công bằng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chính sách này cần được nhân rộng, nếu trở thành chính sách chung, áp dụng cho tất cả đối tượng có thu nhập thấp tạo lập căn nhà đầu tiên (thuộc loại nhà có giá vừa túi tiền) thì sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết, bên cạnh những rào cản nói trên thì hiện nay chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở cho người lao động của doanh nghiệp mình nói riêng và người lao động nói chung, đặc biệt là nhà ở xã hội còn nhiều rào cản. Chính vì thế rất cần sự chung tay của toàn xã hội. BÌNH MINH |