Dự án ngăn triều liên tục “lỗi hẹn”

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án ngăn triều) do UBND TPHCM và Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) ký kết thực hiện vào tháng 6-2016, dự kiến hoàn thành sau 3 năm thi công. Sau nhiều lần “lỗi hẹn”, đến tháng 11-2020, công trình dự án “đứng hình”. Tháng 4-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40 “gỡ vướng” cho công trình, song đến nay việc thi công vẫn “án binh bất động”.
Công trường thi công cống ngăn triều tại huyện Nhà Bè
Công trường thi công cống ngăn triều tại huyện Nhà Bè

Chưa biết khi nào thi công trở lại

Dự án ngăn triều có tổng vốn đầu tư 9.926 tỷ đồng với mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố, đồng thời chủ động trong điều tiết hạ thấp mực nước các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, tạo cảnh quan môi trường khu vực. Dự án tập trung xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn (từ sông Vàm Thuật đến sông Kinh), với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10m. Địa điểm xây dựng thuộc các quận 1, 4, 7, 8 và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh.

Cuối tháng 4-2018, sau gần 2 năm triển khai với khoảng 75% khối lượng công trình được xây lắp thì Trung Nam Group bất ngờ dừng thi công. Theo lý giải của chủ đầu tư, nguyên nhân do Ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án, vì UBND TPHCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện cấp vốn. Gần 10 tháng sau, ngày 12-2-2019, sau khi hoàn thành các thủ tục giải ngân, dự án tái khởi động và lùi thời gian dự kiến hoàn thành sang tháng 6-2020. Nhưng tới tháng 11-2020, khi đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, Trung Nam Group lại thông báo ngừng thi công, do UBND TPHCM chưa ký hợp đồng phụ lục thời gian hoàn thành.

Tháng 4-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết 40, giao TPHCM chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành Dự án ngăn triều đúng theo quy định; đồng thời thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn “giậm chân tại chỗ!”.

Tránh lãng phí, ảnh hưởng người dân

Theo ghi nhận, đến nay Dự án ngăn triều gần 10.000 tỷ đồng đã đạt khoảng 90% khối lượng thi công. Cụ thể, cống kiểm soát triều Bến Nghé (quận 1) đạt 92%, cống Tân Thuận (quận 7) đạt 93%, cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đạt 95%, cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) đạt 90% và cống Phú Định (quận 8) đạt 92%. Tại 6 cống kiểm soát triều này đã hoàn tất việc lắp đặt cửa van, hệ thống xi lanh thủy lực, âu thuyền, buồng bơm. Riêng hạng mục kè mang cống, thảm đá lòng sông và khu nhà quản lý đang tạm dừng thi công.

Do công trình chưa hoàn thành nên những ngày đầu tháng 12 vừa qua, đỉnh triều ở TPHCM lên mức cao nhất trong năm, vẫn gây ngập nhiều khu vực trũng thấp, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân, nhất là cư dân gần công trình dự án hoặc nằm trong dự án. Ngày 5-12, triều ở trạm Nhà Bè đo ở mức 1,73m, nước dâng cao khiến một số đường bị ngập sâu như Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Tôn Thất Thuyết (quận 4), quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Lương Định Của (TP Thủ Đức)… Nhiều nhà dân sống trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7) than  vãn, triều cường mỗi năm 7-8 đợt, gây ngập sâu, khiến việc buôn bán, sinh hoạt thật khốn khổ, nên mong muốn Dự án ngăn triều sớm hoàn thành. 

Giữa tháng 11 vừa qua, tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị 9 (TPHCM) với cử tri các quận 4, quận 7 và 2 huyện Nhà Bè, Cần Giờ, nhiều cử tri cũng cho rằng, dự án kiểm soát triều tại TPHCM góp phần cho sự phát triển chung của thành phố, việc dự án tạm ngưng thi công là nỗi bức xúc của người dân. 

Theo GS-TS khoa học, chuyên gia môi trường Lê Huy Bá, về nguyên lý, chặn nước triều lên để chống ngập thủy triều là một ý tưởng, nhưng không hoàn hảo. Bởi vì, chặn một cửa sông vào thì hệ thống kênh rạch của thành phố hết sức chống chịu, triều không vô chỗ này thì vô chỗ khác. Dựa trên nguyên lý của quản lý lưu vực, thì lưu vực ở đây không có nghĩa là vẽ nên một lưu vực bằng cách chia đôi dòng sông, bên tả là một lưu vực khác, bên hữu là một lưu vực khác. Quản lý lưu vực giống như hình cái ô, ví dụ lưu vực sông Sài Gòn, nước ở đâu chảy về sông Sài Gòn là cái lưu vực của nó. Ở kênh rạch nhỏ hơn cũng vậy, khi muốn quản trị dòng kênh này, thì phải vẽ được bản đồ của lưu vực đó. 

GS-TS khoa học Lê Huy Bá băn khoăn, thời gian gián đoạn thi công kéo dài khiến sắt, thép trên công trường bị hoen gỉ, gây phát sinh chi phí tốn kém, trong khi người dân vẫn bị ảnh hưởng do triều. Vì vậy, các nhà khoa học phải ngồi lại với nhau, bàn bạc thật kỹ, phân tích xem Dự án ngăn triều bị vướng mắc chỗ nào để đề xuất tháo gỡ, thúc đẩy nhanh tiến độ các công trình chống ngập hơn nữa. 

Theo đại diện Sở Xây dựng TPHCM, trong thời gian qua, Dự án ngăn triều tạm ngưng thi công do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc thay đổi các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động xây dựng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, như phải cập nhật, chờ hướng dẫn thực hiện đối với công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng… Tuy nhiên, nếu ngừng thi công trong thời gian dài sẽ kéo theo một số hệ lụy, như thiết bị, máy móc trên công trường bị hư hao; vấn đề an toàn cho tuyến giao thông thủy ở khu vực công trình khó được đảm bảo; chủ đầu tư nợ kéo dài, lãi vay phát sinh… Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan cần tập trung giải quyết các vướng mắc, kịp thời kiến nghị các cơ chế, chính sách để Dự án ngăn triều về đích như kế hoạch đề ra.

Tin cùng chuyên mục