Liên tiếp bị điều tra
Trong thư gửi SEC, nhóm 4 nghị sĩ gồm ông Earl Blumenauer, Jim McGovern, Tony Cardenas và bà Barbara Lee yêu cầu xem xét kỹ lưỡng cách vận hành của Neuralink khi công ty chuẩn bị thử nghiệm chip cấy ghép vào não người lần đầu tiên.
Bức thư trích dẫn hồ sơ thú y thu được từ các thí nghiệm Neuralink trên khỉ cho thấy chúng bị ảnh hưởng sức khỏe và suy nhược do cấy ghép chip, bao gồm các triệu chứng tê liệt, co giật và sưng não. Khoảng 12 con khỉ khỏe mạnh chết do có phản ứng với bộ phận cấy ghép của công ty.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội X, tỷ phú Elon Musk phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa cái chết của khỉ và việc cấy ghép chip của Neuralink, khẳng định nhóm nghiên cứu chọn đối tượng thử nghiệm đều cận kề cái chết. Thử nghiệm trên động vật của Neuralink được tiến hành để xác nhận các giả thuyết khoa học và công ty có cam kết đối với việc chăm sóc tối đa cho động vật được thử nghiệm.
Trong khi đó, 4 nghị sĩ trên cho rằng việc động vật trong các thí nghiệm của Neuralink chết liên quan trực tiếp đến tính an toàn của Neuralink. Do đó, tuyên bố của ông Elon Musk có thể đã vi phạm các quy tắc của SEC. Các nhà đầu tư cần được biết sự thật về khả năng tiếp thị sản phẩm của Neuralink. Năm ngoái, nhân viên của Neuralink tiết lộ với truyền thông rằng công ty đã gấp rút thực hiện các ca phẫu thuật không thành công trên khỉ, heo và cừu, khiến động vật chết nhiều hơn mức cần thiết.
FDA chấp thuận cho Công ty Neuralink của tỷ phú Elon Musk thử nghiệm lâm sàng |
Theo hồ sơ gần đây của SEC, Neuralink đã huy động được hơn 280 triệu USD từ các nhà đầu tư bên ngoài. Công ty đã phát triển chip có hỗ trợ bluetooth cấy vào não người nhằm mục đích kích hoạt khả năng ngoại cảm và sửa chữa chức năng vận động cho người bị thương. Con chip có cổng USB-C, kết nối qua bluebooth với một thiết nhỏ đeo trên tai và kết nối với điện thoại thông minh.
Trước đó, vào tháng 5-2023, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ tiến hành điều tra Neuralink sau khi nhận thư yêu cầu từ Ủy ban Bác sĩ về y học có trách nhiệm (PCRM) - một nhóm vận động bảo vệ động vật.
Theo ủy ban này, có các tài liệu cho thấy việc đóng gói và di chuyển các bộ phận cấy ghép lấy ra khỏi não khỉ của Neuralink là không an toàn. Những bộ phận này có thể đã mang mầm bệnh truyền nhiễm, vi phạm luật liên bang. Neuralink cũng đang bị Văn phòng Tổng Thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ điều tra về các vi phạm có thể xảy ra đối với động vật.
FDA bật đèn xanh
Neuralink ra đời năm 2016, từ dự án táo bạo của tỷ phú Elon Musk. Công ty đã mua lại một số lượng lớn các động vật để thử nghiệm cấy ghép chip não. Từ tháng 9-2017 đến cuối năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng quốc gia California (CNPRC), cơ sở nghiên cứu sinh học do liên bang tài trợ tại UC Davis, đã hợp tác với Neuralink tiến hành các thí nghiệm. Mục tiêu đầy tham vọng của Neuralink là cách mạng hóa chân tay giả và tạo ra bộ cấy ghép cho phép giao tiếp không dây giữa não người và các thiết bị nhân tạo.
Kể từ khi thành lập, công ty đã tuyển dụng nhiều nhà thần kinh học danh tiếng từ nhiều trường đại học Mỹ. Elon Musk là chủ sở hữu đa số cổ phần của Neuralink kể từ tháng 9-2018, nhưng không giữ vị trí điều hành. Vai trò Giám đốc điều hành thuộc về Jared Birchall, người đồng thời là Giám đốc tài chính và Chủ tịch Neuralink. Nhưng với sự mật thiết giữa Elon Musk và Jared Birchall, cùng với tiềm lực tài chính của mình, có thể nói ông Musk mới là người đứng sau những quyết định của Neuralink.
Năm ngoái, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ từ chối đơn đăng ký thử nghiệm trên người đầu tiên của Neuralink vì lo ngại về an toàn. Tuy nhiên, đến tháng 5 năm nay, cơ quan này đã chấp thuận cho công ty tiếp tục thử nghiệm lâm sàng.
Được bật đèn xanh, gần đây, Neuralink đăng tuyển tình nguyện viên thử nghiệm cấy chip não đầu tiên trên thế giới, đối tượng là người liệt tứ chi do chấn thương tủy sống hoặc mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS). Trong quá trình thử nghiệm, robot phẫu thuật sẽ đặt con chip kết nối não - máy tính vào phần não kiểm soát ý định chuyển động để người bị liệt điều khiển được bàn phím hoặc con trỏ máy tính bằng suy nghĩ.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi thiết bị được chứng minh là an toàn thì Neuralink vẫn có thể phải mất hơn một thập niên mới có được giấy phép sử dụng thương mại cho thiết bị này. Giáo sư y khoa Kiminobu Sugaya, Trưởng khoa Khoa học thần kinh tại Đại học Trung tâm Florida (Mỹ), cho rằng rủi ro lớn nhất của cấy chip vào não người là nhiễm trùng.
Còn theo Tiến sĩ David Putrino, chuyên gia khoa học thần kinh kiêm Giám đốc đổi mới phục hồi chức năng của Hệ thống Y tế Mount Sinai (Mỹ), trong quá trình nghiên cứu, điều quan trọng là theo dõi tác dụng phụ xảy ra, nguy cơ lây nhiễm và độ an toàn của ca phẫu thuật cấy tháo chip... Nghiên cứu thử nghiệm của Neuralink dự kiến kéo dài 6 năm.