Dự án có chiều dài khoảng 118km và đã đưa vào khai thác được 3 năm. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều vấn đề về chất lượng công trình. Nguyên nhân được chỉ ra là do trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Sai phạm, thiếu sót từ Bộ GTVT
Theo TTCP, sai phạm đầu tiên là việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh thiết kế cơ sở. Cụ thể, trong thiết kế cơ sở dự án BOT Nam Bình Định sử dụng lại cống cũ ngang đường, thiết kế mặt đường bê tông nhựa tại một số vị trí thường xuyên ngập là chưa phù hợp với thực tế, thiếu đồng bộ, dẫn đến mặt đường tại khu vực đó luôn bị ngập khi thời tiết mưa, có nơi ngập sâu từ 30cm đến 60cm. Bên cạnh đó, khi phê duyệt thiết kế cơ sở, Bộ GTVT cho phép phá dỡ 9 cầu cũ để xây mới, tuy nhiên khi quyết định điều chỉnh thiết kế cơ sở đã cho phép giữ lại 7 cầu cũ để sửa chữa, sử dụng, trong đó có 6 cầu được xác định lại tải trọng chỉ từ 22 - 25 tấn. Hiện tại trên toàn dự án có 18/33 cầu cũ đang được gắn biển hạn chế tải trọng 22 - 25 tấn, mức tải trọng này không đồng bộ với tải trọng cho phép của quốc lộ 1 sau khi cải tạo, mở rộng và cầu xây mới. Đặc biệt, Bộ GTVT đã ban hành văn bản thiếu cơ sở, đưa ra chủ trương điều chỉnh thiết kế cơ sở chưa đúng với quy định pháp luật về điều chỉnh dự án đầu tư, dẫn đến chất lượng mặt đường dự án thiếu tính đồng bộ nên không phát huy tối đa hiệu quả trong khai thác. TTCP cũng chỉ ra nguyên nhân từ nhà thầu Cienco4 (gói thầu XL 04A, dự án BOT Bắc Bình Định) đã thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến chiều cao rãnh giảm 15cm so với thiết kế bản vẽ thi công, làm hạn chế khả năng thoát nước…
Sai phạm trong quá trình thực hiện dự án được TTCP kết luận có nguyên nhân từ Ban quản lý dự án 2. Đơn vị này có thiếu sót khi lập hồ sơ đã yêu cầu nguồn vốn đầu tư đối với nhà đầu tư tại dự án BOT Nam Bình Định thấp hơn tổng mức đầu tư của dự án, ảnh hưởng nhất định đến việc đảm bảo vốn để thực hiện dự án. Đáng quan ngại, trong các hợp đồng BOT thực hiện dự án đã không đề cập đến các nội dung về chất lượng công trình (định lượng cụ thể) đạt tỷ lệ bao nhiêu phần trăm; nghĩa vụ mỗi bên sau khi chuyển giao…
Trong khi đó, theo kết luận, nhà thầu Cienco4 đã sử dụng vật liệu đá dăm từ nhiều mỏ có tính chất cơ lý khác nhau nên chất lượng bê tông nhựa thiếu sự đồng nhất và ổn định, do đó khi gặp các yếu tố bất lợi thì bê tông nhựa dễ bị phá vỡ; sử dụng vật liệu tưới dính bám của mặt đường chưa đúng quy định, sau gần 2 năm đưa công trình vào khai thác, sử dụng mặt đường đã hư hỏng cục bộ. Dự án mở rộng quốc lộ 1 là dự án đặc biệt quan trọng, đây là tuyến giao thông huyết mạch, có mật độ giao thông lớn, liên tục... TTCP cho rằng, những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trên, nguyên nhân chính là Bộ GTVT thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước, nhiệm vụ được giao đối với một số nội dung liên quan. Bộ GTVT còn thiếu sót trong công tác giám sát, nghiệm thu thực hiện chưa đúng quy định, còn để một số nhà thầu sử dụng vật liệu chưa đúng hồ sơ thiết kế.
Bổ sung các tiêu chuẩn để khắc phục
Căn cứ kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành đối với các nội dung liên quan đến thiết kế kết cấu áo đường có sử dụng bê tông nhựa gồm các thông số thiết kế phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, từng điều kiện khai thác, quy định về thiết kế hỗn hợp, thi công, nghiệm thu bê tông nhựa; nghiên cứu, đề xuất thử nghiệm một số dạng kết cấu mặt đường mới, vật liệu mới phù hợp với lưu lượng, tải trọng và khí hậu của từng vùng miền trong cả nước… Đồng thời xây dựng quy định để quản lý chất lượng phụ gia dính bám sử dụng trong bê tông nhựa.
Kiến nghị chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phần mềm giám sát, quản lý thu phí trực tuyến để tăng vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm soát doanh thu các trạm thu phí BOT; khẩn trương hoàn thành việc thu phí điện tử không dừng theo quy định. Đặc biệt, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cần tổ chức kiểm tra, rà soát cao độ đáy rãnh, kích thước hình học đối với rãnh dọc trên các dự án, đảm bảo yêu cầu thoát nước và các yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Liên quan tới nội dung kết luận thanh tra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định cần thực hiện nghiêm kết luận của TTCP, đồng thời TTCP sẽ đôn đốc, theo dõi, kiểm tra quá trình xử lý sau thanh tra của các đơn vị liên quan.
Ngày 12-12, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường tỉnh Đắk Lắk. Những năm qua, công ty này được tỉnh Đắk Lắk và TP Buôn Ma Thuột giao làm chủ đầu tư một số dự án hạ tầng đô thị trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. Qua quá trình thanh tra từ năm 2014-2017 đã phát hiện một số sai phạm trong việc quản lý vốn, tài sản, chế độ tài chính kế toán; một số dự án mà công ty làm chủ đầu tư không bố trí được vốn dẫn đến thi công dở dang, kéo dài thời gian, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. |