Dự án “ma” - Dẹp không khó

Sau nhiều ngày tìm hiểu về những “dự án ma” phân lô trên đất nông nghiệp, đất công viên... trái pháp luật, đang được rao bán rộng rãi trên mạng xã hội và qua tin nhắn điện thoại, chúng tôi tìm được nhiều lời giải khác nhau cho câu hỏi “vì sao xảy ra nhiều như vậy”.
Dự án phân lô trái phép tại đường vào cầu Ba Phụ sau khi bị cơ quan chức năng cưỡng chế
Dự án phân lô trái phép tại đường vào cầu Ba Phụ sau khi bị cơ quan chức năng cưỡng chế

Điểm nóng phường Thạnh Xuân

Phường Thạnh Xuân (quận 12, TPHCM) bỗng nổi tiếng bất đắc dĩ sau khi quận công bố “danh sách đen” tại phường này có đến 10 điểm phân lô bán nền, rao bán trên mạng trái pháp luật.

Tại UBND phường, điều ghi nhận đầu tiên là những văn bản khắc phục hậu quả về vi phạm xây dựng - đất đai công bố trên bảng tin chỉ có tên đất, nhưng không có tên người vi phạm, ít nhất 5 trường hợp. Vì sao như vậy? Ông Nguyễn Bá Đàn, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân, cho biết: “Khi phát hiện trường hợp san lấp trái phép, phường tiến hành mời những người có mặt ở khu đất để làm việc thì họ không thừa nhận là chủ đất, không biết chủ đất. Sau đó, có một trường hợp, phường mời chủ cũ lên làm việc thì người này bảo đã chuyển nhượng sang cho người khác bằng giấy tay, chưa công chứng, việc san lấp là do chủ mới thực hiện. Người bán không cung cấp thông tin chủ đất mới, nên chúng tôi không nắm được thông tin”.

Biển cảnh báo “dự án ma” tại phường Thạnh Xuân
 Xuống các khu đất nằm trong “danh sách đen”, điều ghi nhận đầu tiên là tạm bợ, sơ sài. Chẳng hạn, khu đất tại đường Võ Cây Dương (khu phố 6), chủ đất rào xung quanh bằng tôn và lưới che nắng. Bên trong, một phần đất đã san lấp mặt bằng, xây dựng vài vách tường dang dở. Ông Trần Hữu Hội, Trưởng Văn phòng khu phố 6, kể: “Sự việc diễn ra cách nay chừng 2 tháng. Chủ đất xin phép làm sân cầu lông, chỉ cho tỷ lệ 5% trên tổng diện tích đất để làm công trình phụ phục vụ cho sân cầu lông, nhưng khi làm thì biến tướng, đóng cọc phân lô. Sau đó chủ đất rao bán trên mạng và “bao xây dựng”, người mua lên gặp khu phố hỏi thăm, tôi chỉ về phường, khi mở bản đồ ra mới biết là trái phép”. 


Cách đó một quãng chừng 1km là đường vào cầu Ba Phụ, với 2 khu đất phân lô trái phép. Khu đất đầu tiên (gần miếu Võ Rồng) thuộc quy hoạch khu 150ha công viên cây xanh, hiện trạng là bãi đất hoang. Một đường mương rộng hơn 1m xẻ dọc khu đất, được cán bộ địa chính phường giải thích là cơ quan chức năng đào lên, khắc phục hiện trạng, vì san lấp phân nền trái phép. Dấu tích còn sót lại qua những hàng gạch thẻ xây sơ sài cao chừng nửa gang tay, nhằm để làm ranh giới phân nền; một khung sắt làm nhà dã chiến dang dở… Cuối con đường, cách đó chừng 300m cũng là một khu phân lô bán nền trái phép, hiện trạng là nền bê tông và khung nhà sắt sập đổ, hoang phế. Cả 2 khu đều có gắn bảng cảnh báo  “Khu vực không có dự án phân lô, tách thửa do cơ quan chức năng phê duyệt”.

Theo ông Nguyễn Bá Đàn, hiện trạng trên đã xuất hiện từ năm 2016, 2 năm gần đây thì nhiều lên. Phường có diện tích rộng trên 1.000ha, việc san lấp trái phép diễn ra chủ yếu vào ngày nghỉ, lực lượng mỏng nên không xử lý xuể, cũng như còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định pháp luật đối với hành vi này. 

Trách nhiệm của địa phương?

Thực tế cho thấy, sự cảnh báo của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, đã góp phần dẹp loạn “dự án ma”. Chẳng hạn, về cái gọi là “dự án” Venica Garde (quận 7) mà Báo SGGP ngày 14-5 đã có bài Cẩn trọng với dự án ma; mới đây, chúng tôi gọi điện đến công ty môi giới thì nhân viên ở đây cho biết đã tạm thời khóa rổ hàng, không mở bán nữa, để “xử lý một số vấn đề”. Hoặc một “dự án ma” tại huyện Bình Chánh, trước đây khẳng định nếu mua đất sẽ đảm bảo 20% lợi nhuận, nay cũng thông báo “không còn bán”!

Vì sao có sự bùng phát “dự án ma” như vậy? Trước ý kiến cho rằng vì quy định tách thửa khó khăn nên dẫn đến tình trạng người dân tách thửa “lụi”, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, không đồng tình. Theo ông, trách nhiệm quản lý quy hoạch, quản lý đất đai thuộc chính quyền địa phương; việc người dân bung ra tách thửa không theo pháp luật là trách nhiệm của UBND quận huyện phải xử lý. Quy định tách thửa hiện nay không phải khó, không phải siết, vẫn triển khai bình thường. Mục đích chính là hạ tầng làm đúng quy định và phải kết nối, đúng quy hoạch. Nếu không quản lý chặt chẽ, sẽ hình thành những khu nhà ổ chuột mới, không đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Trong trường hợp người dân làm sai, quận huyện phải có chế tài, không thể để xảy ra tình trạng bát nháo rồi đổ thừa cho quy định tách thửa khó khăn.

                                                         _________________
Ông CAO THANH BÌNH, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM: 
Không thể nói chính quyền địa phương “không biết”

Đầu tiên là tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa đầy đủ, có khi người mua đất lại ở các tỉnh nên không nắm đầy đủ thông tin. Đối với người mua, trước khi giao dịch, nên yêu cầu bên bán công bố văn bản quy hoạch là đất gì; nếu đất phân lô bán nền lẻ thì phải có văn bản hiến đường cho Nhà nước; phải có hợp đồng mua bán, nếu chỉ làm văn bản thỏa thuận thì có thể sẽ bị thiệt thòi. 

Thật khó thuyết phục khi chính quyền địa phương nói “không biết” việc san lấp phân lô trái phép, bởi hành động đó xảy ra trên một khu đất ai cũng thấy, lại diễn ra một thời gian dài chứ không phải trong tích tắc. Do đó, trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền địa phương, của người đứng đầu, phải xử lý bằng cái tâm và trách nhiệm chung, còn không khéo sẽ nảy sinh nhóm lợi ích, dẫn tới người dân bị lừa đảo, phá vỡ quy hoạch địa phương. Phân lô kiểu đó dẫn đến thiếu bền vững, mai này Nhà nước phải bỏ kinh phí để khắc phục hạ tầng, chỉnh trang lại đô thị… Các quận huyện, sở ngành phải nắm bắt sự việc, kịp thời khắc phục các kẽ hở pháp luật, không để kẻ xấu trục lợi, ảnh hưởng trật tự xã hội cũng như kinh tế. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cần phải nắm rõ, nguyên nhân phát sinh là do chủ trương của thành phố siết chặt việc tách thửa, hay nhu cầu thực tế như thế nào, để tham mưu giải pháp cụ thể. HĐND TP sẽ tiếp tục tăng cường giám sát về vấn đề này.

 Ông ĐINH THẾ HIỂN, Chuyên gia kinh tế: Cần có chính sách phát triển đô thị vùng ven

Người dân tự tách thửa không đúng theo quy định thì Nhà nước không cấp giấy chủ quyền, do đó việc chuyển nhượng không được công chứng, dẫn đến không tách được sổ. Người mua và người bán đi lập vi bằng, tức là công nhận hành vi giao dịch - chuyển tiền qua lại, với cách làm này nếu ra tòa thì được pháp luật bảo hộ. Tính pháp lý của Nhà nước là không có, nhưng người mua lại tin tưởng vì người bán có giấy chủ quyền của khu đất, tức là có cơ sở để tin cậy. Người mua thấy rằng chỉ mua theo kiểu này mới có đất, mới có thể chỉ vài trăm triệu đồng là mua được mảnh đất “lận lưng”. Họ sẵn sàng chấp nhận chuyện không được xây dựng, không được cấp giấy chủ quyền, để sau này hãy tính. Người mua đất kiểu này hầu hết làm trong khu công nghiệp hoặc buôn bán ven theo đó, nếu không mạnh dạn mua thì mãi mãi sẽ không mua được đất. Nếu chờ Nhà nước quy hoạch, xây dựng hạ tầng xong thì giá đất “trên trời”, họ không thể nào với tới.
Thống kê từ 20 năm qua cho thấy sự việc vẫn diễn ra như vậy, cơn sốt đất diễn ra âm ỉ, những người mua trước đó vẫn lời, luật pháp đất đai về sau cởi mở hơn trước, nhiều trường hợp được cấp sổ, được xây dựng, ngay cả quy hoạch về công viên cây xanh cũng xóa đi, người dân được xây cất nhà cửa… Đó là một thực tế đã và đang diễn ra, Nhà nước cần đối mặt và có chính sách phát triển đô thị cho phù hợp với địa bàn vùng ven ngoại thành.

Tin cùng chuyên mục