Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là thành tựu, bước tiến của nền tư pháp

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, nếu không có hình phạt và tố tụng thân thiện thì không hình thành được bộ luật về tư pháp người chưa thành niên theo đúng quan điểm của Đảng và Hiến pháp.

Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự đối xử đặc biệt với người phạm tội vị thành niên
Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự đối xử đặc biệt với người phạm tội vị thành niên

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên vào sáng 17-4, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự đối xử đặc biệt với người phạm tội vị thành niên.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có 2 loại ý kiến: Tán thành dự thảo luật quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với với người chưa thành niên; đề nghị dự thảo luật không quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên.

NGUYỄN THỊ THANH .jpeg
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Góp ý tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Nhìn nhận người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt. “Trong quan hệ pháp luật, người chưa thành niên được coi là yếu thế, cần được pháp luật bảo vệ đặc biệt”, bà Thanh nói.

Theo bà Thanh, Quốc hội khóa XV quyết định xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên. Với tư cách là một đạo luật chuyên biệt, 2 vấn đề quan trọng nhất là hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự. Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng: “Cần điều chỉnh cả 2 nội dung này trong luật, tạo cơ sở cho việc thiết kế các hình phạt, cũng như các thủ tục tố tụng phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên, khắc phục được những bất cập của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành”.

TOÀN CẢNH .jpeg
Quang cảnh phiên họp

Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về vấn đề này. Ông nói: “Nếu không có hình phạt và tố tụng thân thiện thì không hình thành được bộ luật về tư pháp người chưa thành niên theo đúng quan điểm của Đảng và Hiến pháp. Cả thế giới không có bộ luật nào chỉ có biện pháp mà không có hình phạt và tố tụng hình phạt”. Theo Chánh án, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là thành tựu, là bước tiến của nền tư pháp và của Quốc hội. Vì thế, sản phẩm đưa ra phải trọn vẹn”.

“Không có hình phạt với tố tụng thân thiện thì đây là một sản phẩm khuyết tật, không giống một luật nào trên thế giới và cũng không nên để mất thời gian của Quốc hội khi đưa ra một đạo luật như thế”, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Tổng kết nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị TAND tối cao tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật với phạm vi theo đúng 6 chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Tức là bao gồm cả về hình phạt, tố tụng hình sự và các vấn đề khác.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận loại ý kiến thứ 2 của Ủy ban Tư pháp. Cơ quan thẩm tra cần tiếp tục hoàn chỉnh và báo cáo để Quốc hội thảo luận, xem xét.

Theo dự kiến, dự luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.

Tin cùng chuyên mục