Phát biểu tại phiên họp toàn thể sáng 19-11 về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị xem xét thông qua dự Luật theo quy trình 3 kỳ họp, vì dự thảo Luật sửa đổi rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều nội dung là chính sách lớn, cơ bản của luật hiện hành, nhưng lại chưa có sự đánh giá đầy đủ, nhiều nội dung tham khảo đã quá lạc hậu. ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nhận xét: “Những thông tin về thi hành án phạt tù của các nước phần lớn là những thông tin cách đây hơn 20 năm”.
Cụ thể, dự thảo Luật đã sửa đổi số lượng lớn điều luật (sửa đổi 114/182 điều; bổ sung 54 điều) và thay đổi cơ bản về kết cấu của Luật (bổ sung mục 3 Chương III và bổ sung Chương XI, bãi bỏ 04 điều).
ĐB Nguyễn Văn Hiển bày tỏ phân vân về khá nhiều nội dung trong dự thảo Luật như việc bảo đảm quyền lợi cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng bố mẹ trong trại giam, trại tạm giam; nghĩa vụ của người được tha tù có điều kiện, án treo, cải tạo không giam giữ…
Ông Hiển thẳng thắn nhận xét: “Cần có tổng kết, đánh giá thật đầy đủ về hiệu quả của việc thi hành các chế tài, hình phạt này (án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế… - PV) từ đó xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của người bị kết án, phù hợp với từng loại hình phạt và mang tính thực chất hơn, theo hướng giảm nhẹ các nghĩa vụ mang tính chất hành chính, đồng thời tăng cường các biện pháp, kỹ năng mềm nhằm tác động trực tiếp đến nhận thức, ý thức của người bị án”. Trong khi đó, liên quan đến thi hành hình phạt tù có thời hạn, ĐB Nguyễn Văn Hiển cho rằng trong dự thảo Luật cò nhiều vấn đề chưa rõ, chưa đảm bảo tính minh bạch.
Một nội dung khác được ĐB Nguyễn Văn Hiển và các ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng)… bày tỏ quan tâm là vấn đề thi hành án đối với pháp nhân thương mại (PNTM). Theo ý kiến các ĐB này, hầu hết các quy định về thi hành các hình phạt đối với PNTM còn rất chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn.
ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng bản thân khái niệm PNTM phạm tội, PNTM chấp hành án trong dự Luật cũng đã không thống nhất. ĐB Nguyễn Văn Hiển thì đặt ra hàng loạt câu hỏi: “PNTM bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động thì hậu quả pháp lý là pháp nhân đó có còn tồn tại hay không? Việc thi hành hình phạt đối với PNTM sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với các bên có liên quan (như người lao động, các bên có quan hệ cho vay nợ…) thì được giải quyết như thế nào? Thủ tục và nội dung cưỡng chế thi hành các hình phạt được thực hiện như thế nào?”. Theo ĐB, tất cả những vấn đề này phải được làm rõ trong Luật.