LTS: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển, với nhiều điểm đổi mới. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo kế hoạch, dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10-2022 và tháng 5-2023. Từ hôm nay 29-8, Báo SGGP tổ chức tuyến bài nhìn lại những thành quả và các hạn chế, bất cập của Luật Đất đai hiện hành, đồng thời lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý góp ý xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự là công cụ phát huy nội lực cho nền kinh tế.
Về cơ bản, bố cục của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương). Dự thảo luật gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý.
Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất
Chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn, động lực phát triển, có yêu cầu về hạ tầng đồng bộ, về kiến trúc.
Quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thông qua đấu giá, đấu thầu; trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát và nguồn thu ổn định, tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh.
Phân cấp cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai
Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý thống nhất của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai thống nhất tập trung quản lý mọi biến động của từng thửa đất; các cơ chế kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền về phân cấp như thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu cập nhật các biến động về quản lý của địa phương về Trung ương; các cơ chế giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.
Công khai, minh bạch trong thu hồi đất
Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chỉ được thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ.
Vận hành các cơ chế chuyển dịch tự nguyện theo thể chế kinh tế thị trường thông qua cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp quyền sử dụng đất.
Để giải quyết tình trạng chậm triển khai dự án do chậm bàn giao mặt bằng, dự thảo luật quy định thẩm quyền tách dự án đầu tư cho cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; đồng thời giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Hoàn thiện các quyền
về chuyển nhượng, thế chấp, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm
Tiếp tục hoàn thiện các quyền, nhất là quyền chuyển nhượng, thế chấp, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai.
Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp, người có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp và các cơ chế để nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.
Phát huy cao nhất nguồn lực đất đai, phù hợp với xu thế phát triển
Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển, tiếp tục hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác; đất có mặt nước sử dụng đa mục đích...