* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, dự án luật về 3 đặc khu đang là vấn đề đang được cử tri đặc biệt quan tâm, kể cả trong nghị trường cũng còn ý kiến nhiều chiều. Đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về những vấn đề người dân còn nhiều băn khoăn này hay chưa?
- ĐB VŨ TRỌNG KIM: Việc nhân dân mình bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề quan trọng của quốc gia, theo tôi, là rất đáng mừng. Nói về đặc khu thì chúng ta mong muốn đó là những nơi đột phá với những chính sách có tính chất đặc biệt - không những về kinh tế mà còn về mô hình chính quyền địa phương - nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là làm sao giữ được độc lập chủ quyền, rồi những ưu đãi vượt trội đến đâu so với các khu vực khác. Tôi nghĩ những ý kiến khác nhau phải được nghiên cứu và “hoá giải” trong luật để loại trừ những yếu tố tiềm ẩn gây rủi ro trong tương lai đối với những vấn đề nêu trên. Cho nên cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu điều chỉnh, làm sao để mọi người bấm nút yên lòng, bấm với tư cách đại diện nhân dân, chứ không phải chỉ cho riêng đại biểu Quốc hội.
Mong muốn của ban soạn thảo và ĐB đều là thông qua chính sách kịp thời để có sự khởi sắc của những vùng đất cụ thể, nhưng điều còn băn khoăn trăn trở là tương lai nó sẽ đi theo chiều hướng nào. Vì thế cần cân nhắc để thảo luận một cách kỹ lưỡng.
Nói là "thời khắc lịch sử" quyết định (số phận dự án luật - PV) thì thông qua cũng là lịch sử mà không thông qua cũng là lịch sử, bởi vì những điều quan trọng đang đặt ra trước mặt và ĐB phải thay mặt nhân dân quyết định như thế nào cho chính xác.
Tôi nghĩ là phải bình tĩnh chứ đừng vì áp lực mà thiếu cân nhắc, thiếu nghiên cứu và quyết định thiếu chính xác.
Tôi ngày đêm đều nhận được những ý kiến của cử tri khắp nơi, người dân bình thường cũng có mà người có trình độ, có nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch sử, xã hội, kinh tế tình hình trong nước và quốc tế cũng có. Rất nhiều người gửi gắm tâm tư đến ĐB Quốc hội.
* Nhưng theo quy trình thì trước khi nhấn nút biểu quyết, ĐB chỉ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chứ không có bất cứ lần thảo luận nào về nội dung dự thảo Luật nữa…
Việc này tôi nghĩ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có hướng xử lý tiếp, tức là phải để đại biểu có thời gian nghiên cứu thêm và thảo luận xác đáng, để bấm nút là phải yên lòng, bấm nút là phải an tâm. Hiện tại tôi nghĩ mọi ĐB đã gửi ý kiến đến các đồng chí lãnh đạo và lên Thường vụ Quốc hội rồi và tôi nghĩ hướng xử lý sắp tới sẽ phù hợp với yêu cầu của đại biểu Quốc hội, cũng có nghĩa là phù hợp với ý kiến của cử tri và nhân dân.
* Cảm ơn ông.
Tiếp tục tiếp thu ý kiến ĐB về Luật Đặc khu
Theo thông tin từ ĐBQH, chiều 7-6, một cuộc họp tiếp thu ý kiến các đại biểu về luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Về phía Quốc hội, ngoài thành phần tham gia là Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, còn sự có mặt của đại diện các ủy ban khác có liên quan, như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Uỷ ban Kinh tế; Ủy ban Quốc phòng - An ninh...
Đáng chú ý, về phía Chính phủ, cuộc họp có sự tham dự của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo đông đảo các bộ, ngành, bao gồm cả Bộ Quốc phòng.
Tại cuộc họp, nhiều nội dung lớn liên quan đến dự án luật đã được đưa ra bàn thảo, trong đó có điểm dư luận chú ý nhất liên quan đến thời hạn giao đất 99 năm.