Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Người lao động băn khoăn thời gian nhận lương hưu

LTS: Báo SGGP số ra ngày 3-4 có bài Đối thoại đầu tuần về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sau khi bài báo đăng, bạn đọc đã bày tỏ nhiều ý kiến quan tâm về dự thảo, nhất là thời gian hưởng lương hưu và rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Người dân làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tại BHXH TPHCM. Ảnh: MINH HÒA
Người dân làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tại BHXH TPHCM. Ảnh: MINH HÒA

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội TPHCM: Chính sách BHXH cần mang tính ổn định, bền vững

Hệ thống BHXH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như mong đợi của người lao động (NLĐ), nên sửa đổi Luật BHXH là cần thiết. Tuy nhiên, việc sửa đổi chính sách phải được tính toán kỹ và theo lộ trình để khi luật được ban hành sẽ có tính ổn định, bền vững, độ phủ rộng khắp các đối tượng thụ hưởng.

Việc giảm thời gian đóng BHXH nhưng tuổi nghỉ hưu lại đang tăng theo lộ trình sẽ tạo nên khoảng trống từ khi NLĐ nghỉ việc cho đến lúc được hưởng lương hưu. Trên thực tế, tuổi nghề và tuổi hưu của NLĐ đang có khoảng cách khá lớn, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày. Đa số công nhân nữ khi ở tuổi 40 trở lên sẽ bị giảm việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, công nhân lớn tuổi bị cắt giảm số lượng lớn dù chưa đến tuổi hưu. Khi đó, NLĐ cần rút BHXH một lần để chuyển đổi nghề hoặc trang trải cuộc sống. Điều này đặt ra yêu cầu phải có tính toán hợp lý để vừa đảm bảo quyền lợi NLĐ tham gia BHXH vừa đảm bảo nguồn quỹ BHXH.

Bà PHÙNG THỊ NGỌC MAI, nguyên giáo viên Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, TPHCM: Nên quy định thời gian hưởng lương hưu phù hợp hơn

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, đây là chính sách rất nhân văn, tăng cơ hội hưởng lương hưu cho nhiều người. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là nhiều đồng nghiệp của tôi không đủ sức khỏe để đi đường dài với nghề, buộc phải nghỉ hưu sớm hơn, nhưng theo quy định thì phải đủ tuổi nghỉ hưu (khi đó là 50 tuổi) mới được nhận lương hưu. Việc sức khỏe yếu, về hưu nhưng lại không có thu nhập khiến nhiều người rất bí bách, buộc phải xoay xở nhiều cách để không trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.

Do đó, tôi thấy rằng, với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nên chăng quy định thời gian được nhận lương hưu phù hợp hơn. Chẳng hạn, với những người không đủ sức khỏe lao động, được hội đồng thẩm định là đủ điều kiện nghỉ hưu (đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên) được nghỉ hưu có nhận chế độ hưu trí. Mức tính chế độ hưu trí tùy theo số năm họ đã cống hiến để giải quyết bài toán trước mắt. Biết là không có mẫu chung cho tất cả mọi người, mọi ngành nghề nhưng cần tìm lối ra cho quyền lợi của NLĐ.

Bà NGUYỄN THỊ BÍCH LIỄU, Nghiệp đoàn Nail tóc quận Tân Phú, TPHCM: Đừng hạn chế quyền tự quyết của người tham gia BHXH

Theo dõi thông tin về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), tôi thấy nội dung đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm sẽ tạo điều kiện cho NLĐ bắt đầu tham gia BHXH muộn như tôi có cơ hội được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, về phương án nếu rút BHXH 1 lần thì NLĐ chỉ được rút tối đa không quá 50%, theo tôi, đây là khoản tiền NLĐ chắt chiu dành dụm thì đừng hạn chế quyền tự quyết, quyền chủ động sử dụng khoản tiền này của họ. Tôi trông chờ Luật BHXH (sửa đổi) sẽ có sự tính toán làm sao để khi về già, người đóng BHXH có thể được đảm bảo cuộc sống cơ bản. Có như vậy, chúng tôi sẽ an tâm khi trích một phần thu nhập eo hẹp như hiện nay để đóng BHXH.

Nhiều người muốn nhận BHXH một lần

Những ngày qua, tại các cơ quan BHXH luôn tập trung đông người. Phần đông NLĐ đến để rút BHXH một lần. Theo ghi nhận, tại BHXH huyện Hóc Môn có rất đông người dân đến làm hồ sơ. Mặc dù đến sớm, nhưng do số lượng người làm hồ sơ quá đông nên nhiều người vẫn chưa thể làm thủ tục. Do nhà xa, nhiều người đã mang theo võng, bạt…, ngủ qua đêm trước cổng BHXH huyện Hóc Môn để nhận số thứ tự. Đề nghị các cơ quan BHXH tạo điều kiện cho người dân được đăng ký làm thủ tục qua trang web nội bộ để tránh trường hợp tập trung đông người.

ĐOÀN HIỆP


Tin cùng chuyên mục