Chiều 14-6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cùng các cơ quan ban ngành, quận huyện TP đã kiểm tra thực địa tình hình thực hiện Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Phấn đấu đưa dự án vận hành sớm nhất
Sau khi thị sát tiến độ thi công các hạng mục công trình tại cống ngăn triều Tân Thuận phía bờ quận 7, TPHCM, đoàn lên ca nô di chuyển dọc sông Sài Gòn xuôi về hướng huyện Nhà Bè rồi vòng ngược lên huyện Bình Chánh kiểm tra, thị sát tình hình thực hiện công trình thi công các hạng mục đê kè, cống ngăn triều của dự án này.
Tại buổi giám sát, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, tổng khối lượng thi công xây lắp hiện nay đã đạt khoảng 80% khối lượng. Những hạng mục khó nhất của dự án như thi công dưới nước đã hoàn thành. Khối lượng công việc còn lại chủ yếu là lắp đặt thiết bị. Các cống ngăn triều đã hoàn thành, hệ thống cống chính đang tiến hành lắp van ngăn triều.
Riêng hệ thống SCADA (hệ thống điều khiển và giám sát toàn bộ dự án chống ngập) đang hoàn thiện và tiến hành vận hành thử nghiệm. Đối với cống Bến Nghé, Phú Định, Mương Chuối, Cây Khô, Tân Thuận đang gia công cơ khí để lắp van ngăn triều, lắp ống cơ khí...
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, khi dự án đi vào vận hành, Trung Nam Group có những giải pháp cụ thể để thực hiện vận hành dự án, nhất là hệ thống van ngăn triều. Vì thế, Trung Nam cần đào tạo đội ngũ vận hành các công trình thuộc dự án, chuẩn bị các bước để tiến hành chuyển giao kỹ thuật.
Gấp rút bàn giao mặt bằng
Để dự án kịp vận hành vào tháng 10, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết vấn đề khó khăn là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Tại khu vực cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) đã hoàn thành các trụ pin, tháp van và dầm van, đang thi công kè mang cống và công trình phụ trợ... Tuy nhiên, khu vực trên vẫn còn mười mấy hộ dân chưa bàn giao mặt bằng thi công.
“Nhà đầu tư đã chuyển tiền đền bù đối với những hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án cho các địa phương thực hiện. Nếu mặt bằng được bàn giao ngay trong tháng 6 như kế hoạch thì dự án mới có thể hoàn thành vào tháng 10 năm nay. Đáng lo ngại là hiện nay, trên địa bàn huyện Nhà Bè tồn tại công trình xây dựng cầu cảng quy mô lớn thuộc Công ty cổ phần Kho cảng xăng dầu Hàng không miền Nam chồng lên dự án chống ngập gây mất an toàn tuyến kè khu vực này”, ông Tiến cho hay. Trong khi đó, tại cống Cây Khô (huyện Bình Chánh), khối lượng thi công dự án chỉ mới đạt khoảng 70% vì vướng giải phóng mặt bằng.
Tại buổi kiểm tra, giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho rằng, đây là một trong những dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong việc chống ngập do triều của TPHCM, được chính quyền và người dân TPHCM đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, dự án chậm tiến độ do có một số vướng mắc nhưng nhà đầu tư đã có nhiều nỗ lực để giải quyết khó khăn.
Đồng chí Lê Thanh Liêm yêu cầu các quận huyện khẩn trương bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư hoàn thành, đưa dự án vào vận hành đúng như tiến độ đề ra.
Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho diện tích 750km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Công trình sau khi hoàn thành giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực. |