Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội thảo cùng lãnh đạo UBND các tỉnh có dự án đi qua.
Tham dự hội thảo trực tuyến có lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT và đại diện Ban Kinh tế Trung ương cùng các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học…
Hội thảo tập trung thảo luận sự cần thiết đầu tư dự án, mục tiêu thực hiện dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội dự án mang lại và hình thức tổ chức thực hiện cũng như một số cơ chế chính sách triển khai đầu tư dự án và một số vấn đề khác liên quan.
Phát biểu mở đầu hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và 9 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông thành phố đã có bước phát triển mạnh, một số công trình trọng điểm đã được đầu tư đưa vào khai thác, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống đường vành đai TPHCM nói riêng vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa kịp thời đầu tư, khai thác đồng bộ.
Bàn về cơ chế đầu tư, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, không chỉ có đầu tư xây dựng mỗi đường Vành đai 3 mà còn đường Vành đai 4, đường cao tốc và hàng loạt các công trình khác, vấn đề chúng ta nhìn lượng tiền “khổng lồ” thì khó có thể thực hiện được. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ cơ chế 4, 5 địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát hành trái phiếu tạo thành quỹ đầu tư hạ tầng.
“Không cần tiền thu phí, tạo các quỹ đất dọc hai bên đường thì hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, thậm chí người dân cũng sẵn sàng tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. Có như vậy, vùng này mới cất cánh phát triển rất nhanh, phải nhìn cái xa hơn như vậy. Nếu có cơ chế huy động vốn tốt, thì hạ tầng sẽ được đầu tư rất nhanh”, TS Trần Du Lịch góp ý.
Cũng theo TS Trần Du Lịch, việc thu hồi vốn qua hình thức thu phí là rất nhỏ, quỹ đất là nguồn tài chính lớn, nếu khai thác được thì vốn không là vấn đề gì cả, kể cả việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 và hàng loạt các dự án hạ tầng kết nối khác. Vì thế, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ nhất là lúc này. Đây là thời điểm thuận lợi để đề xuất cơ chế đặc thù tạo nguồn tài chính xây dựng hạ tầng. Cái lo là khi có chủ trương rồi thì làm thế nào? Cao tốc làm mãi không xong.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, chúng ta nên tham khảo cách làm của Quảng Ninh và Hải Phòng các sáng kiến về đầu tư hạ tầng giao thông, về cơ chế sáng tạo, đột phá. TPHCM và các tỉnh cần mạnh dạn đề xuất để thay đổi cách làm về hạ tầng hơn nữa.
Cũng theo ông Trần Đình Thiên, chương trình hạ tầng giao thông chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ, toàn bộ cấu trúc giao thông phải thay đổi cơ bản. Về cơ chế chỉ định thầu, điều kiện để chỉ định thầu là phải cực kỳ rõ ràng, chặt chẽ… nên đi kèm nếu không làm tốt thì phải có phạt, làm tốt thì thưởng.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu, thảo luận tại hội thảo đều tập trung và thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư, mục tiêu đầu tư, hiệu quả đầu tư và một số nội dung quan trọng khác. Qua hội thảo, càng làm nổi bật mục tiêu đầu tư và hiệu quả đầu tư dự án đường Vành đai 3 TPHCM.
Về mục tiêu đầu tư đã cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hình thành tuyến đường vành đai liên vùng; tạo sự đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển. Giải quyết nhu cầu giao thông kết nối đô thị vệ tinh của TPHCM với vùng phụ cận và các tỉnh. Giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của thành phố và giao thông nội thị góp phần giảm ùn tắc giao thông ở TPHCM.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, trong quá trình triển khai nghiên cứu hoàn thành báo cáo tiền khả thi dự án, UBND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thực hiện công tác thẩm định nội bộ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước, ý kiến của Bộ KH-ĐT và các bộ ngành liên quan, hoàn chỉnh Báo cáo tiền khả thi với mong muốn dự án được thực hiện chặt chẽ về thủ tục cũng như nội dung hồ sơ tốt nhất nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình trong quá trình triển khai dự án sau này.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Lương Minh Phúc cho biết, đường Vành đai 3 được quy hoạch với quy mô 8 làn xe cao tốc, chiều dài dự kiến 91,64 km. Điểm đầu đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Bến Lức, tỉnh Long An). Thời gian gian thực hiện 2022 - 2026. Năm 2023 cao điểm giải phóng mặt bằng, cuối năm 2023 khởi công 1 số gói thầu, cuối năm 2025-206 thông xe 1 phần, cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc, đến năm 2026 thì hoàn thành. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.377 tỷ đồng. Trong đó số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là 41.589 tỷ đồng. |