Phối hợp chặt chẽ
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai các dự án thành phần theo các mốc thời gian mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.
Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 khởi công sớm hơn vào tháng 6-2023, thay vì cuối năm 2023; Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án phải hoàn thành trong tháng 7 năm 2022; tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao ranh giải phóng mặt bằng từ tháng 8-2022; phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tháng 3-2023. Việc bắt đầu bàn giao mặt bằng từ ngày 1-10-2022 đến 30-12-2023 và đến tháng 3-2023 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng. Dự kiến dự án sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng 10-2025, hoàn thành toàn tuyến trong tháng 6-2026.
Về nhiệm vụ, công việc được lên kế hoạch cụ thể. Theo đó, UBND TPHCM chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án. Về công tác phối hợp, UBND TPHCM (cơ quan đầu mối) chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện các nội dung liên quan dự án. Đối với vốn, UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh vốn ngân sách Trung ương đã có (17.146 tỷ đồng) từ Bộ GTVT và giao vốn ngân sách Trung ương chưa được bố trí (14.233 tỷ đồng) về các tỉnh, thành phố để kịp thời triển khai thực hiện dự án.
Công việc tại các địa phương, sẽ chỉ đạo cơ quan tham mưu thống nhất khung tiêu chuẩn áp dụng cho toàn dự án, đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, thẩm mỹ; tổ chức lập hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu và các vật liệu xây dựng đảm bảo trữ lượng khai thác, chất lượng, tiến độ cung cấp phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án thành phần; thống nhất về đơn giá bồi thường tại các khu vực giáp ranh đảm bảo sự tương đồng trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật…
Các địa phương sẽ tổ chức triển khai các dự án thành phần được giao theo thẩm quyền, các cơ chế đặc thù được phép áp dụng cho dự án và các quy định của pháp luật liên quan; rà soát nhu cầu tái định cư, xây dựng phương án bố trí tái định cư trên địa bàn tỉnh, thành phố đảm bảo tiến độ công tác thu hồi đất; xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng đến chân công trình, đảm bảo khả năng cung ứng và phù hợp với mặt bằng giá thị trường. “Trong trường hợp phát sinh các vấn đề cần tháo gỡ, giải quyết, UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đề xuất UBND TPHCM làm đầu mối trao đổi, phối hợp với Tổ công tác Chính phủ để kịp thời giải quyết các vướng mắc chung của toàn dự án”, ông Trần Quang Lâm cho biết.
Khi khởi công phải có 70% mặt bằng
Trao đổi tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với các kế hoạch phối hợp của 4 địa phương, tuy nhiên cần cân nhắc không thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để đảm bảo tính pháp lý. Liên quan đến giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Xuân Trọng, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), nhận xét, vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn đối với các vùng giáp ranh liên quan dự án. Do mỗi địa phương có giá đất khác nhau nên sẽ khiến người dân cảm thấy không đền bù thỏa đáng.
Giải thích thêm về một số nội dung, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần được giao theo thẩm quyền, các cơ chế đặc thù được phép áp dụng cho dự án và các quy định của pháp luật liên quan. UBND các tỉnh, thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị tham mưu cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án thành phần; thành lập Hội đồng cố vấn dự án gồm các chuyên gia có kinh nghiệm trong kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, đấu thầu, tổ chức điều hành dự án…
Thống nhất với quan điểm của TPHCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lưu ý, trước khi triển khai dự án, các dự thảo cần phải làm rõ, giao trách nhiệm và quyền hạn cụ thể cho từng địa phương, từng đơn vị. Chẳng hạn, giao Sở GTVT làm cơ quan thường trực hỗ trợ, tham mưu giúp UBND các địa phương, tránh trường hợp đổ lỗi cho đơn vị thi công, ban, ngành; Sở TN-MT chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng…
Đáng chú ý, công tác giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn, cần làm nhanh nhưng phải chắc, đảm bảo thời điểm khởi công phải có 70% mặt bằng bàn giao cho ban quản lý dự án. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần có cơ chế chính sách riêng trong giải phóng mặt bằng, nếu khó khăn phải có cuộc họp HĐND bất thường để thực hiện nhanh. TPHCM chú ý vấn đề giải phóng mặt bằng, bởi vừa là chủ đầu tư vừa là địa phương. “Dự án có 8 dự án thành phần nên việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, nếu không rõ trong cách làm sẽ bị trái quy định”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị các địa phương cần triển khai sớm dự án đường Vành đai 4 TPHCM để trình Quốc hội, trong đó có thời gian, tiến độ triển khai. Hồ sơ cần rà soát lại quy mô, phân kỳ và gắn liền với tiến độ để thực hiện. Dự án thực hiện theo hình thức PPP, vốn nhà nước không vượt quá 50%, nếu dự án dưới 10.000 tỷ đồng, các địa phương tự triển khai mà không cần trình lên Quốc hội. Dự án đường Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài theo quy hoạch 199km, với 8 làn xe cao tốc và tuyến song hành 2-3 làn ô tô, vỉa hè mỗi bên, bề rộng nền đường 74,5m, đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TPHCM. |