Theo đó, các địa phương có tuyến đường đi qua đã tiến hành rà soát quỹ nhà ở, triển khai phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, xem xét quỹ đất có khai thác tạo vốn xây dựng tuyến đường.
Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 76,34km đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố gồm TPHCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km. Điểm đầu công trình là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 75.378 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2023 khởi công và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026.
Rút kinh nghiệm từ những dự án trước, ông Trần Quang Lâm cho biết, các địa phương đã rà soát quỹ đất, nguồn vốn phục vụ đầu tư. Riêng TPHCM đã rà soát lại kế hoạch đầu tư trung hạn trong 5 năm để bố trí sắp xếp, ưu tiên vốn cho dự án Vành đai 3. Bên cạnh đó, các địa phương cũng rà soát, sắp xếp đấu giá quỹ đất công dọc theo tuyến đường Vành đai 3 để tạo vốn. UBND TPHCM đã giao Sở QH-KT và Sở TN-MT rà soát toàn bộ quỹ đất liên quan. Bước đầu xem xét, quỹ đất công của TPHCM dọc tuyến đường Vành đai 3 có hơn 511ha, tính giá sơ bộ gần 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TPHCM cũng rà soát quy hoạch quỹ đất công ở TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi để đấu giá bổ sung nguồn vốn đầu tư cho đường Vành đai 3.
Khi thực hiện dự án có khoảng 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư (TPHCM có 741 hộ, tỉnh Đồng Nai 100 hộ, tỉnh Bình Dương 515 hộ và tỉnh Long An 120 hộ). Trong quá trình giải phóng mặt bằng, TPHCM sẽ triển khai cơ chế chỉ định đấu thầu từ khâu khảo sát, xây dựng, tái định cư… Tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ bồi thường bằng tiền.
TPHCM sẽ là “nhạc trưởng” kết nối, phối hợp với các tỉnh từ kỹ thuật, tiến độ chung đến vật liệu xây dựng.