“Trận địa” công nghệ mới
Tại tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, Việt Nam chưa bao giờ thực hiện một dự án nào có vốn và quy mô lớn như dự án ĐSTĐC, với khối lượng xây lắp lên đến hơn 33 tỷ USD. Hiện năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, thực hiện được nhiều công trình hầm, cầu dây văng rất lớn.
Tuy nhiên, với dự án ĐSTĐC, độ chính xác liên quan đến tốc độ 350km/giờ đòi hỏi rất nhiều về công nghệ. “Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một “trận địa” công nghệ mới, cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất để ứng dụng”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT Đào Ngọc Vinh cho rằng, hệ thống đường sắt có tính phức tạp cao hơn và làm việc theo hệ thống, bao gồm nhiều bộ phận cấu thành như hạ tầng, thông tin tín hiệu, thiết bị, cấp điện…
Trong đó, đối với đường hầm, khi đoàn tàu chạy có tốc độ cao sẽ tạo áp lực lớn lên hầm và từ vỏ hầm vào kết cấu, đòi hỏi sự tính toán kỹ tương tác động lực giữa tàu và hầm, chuyển tiếp để không khí thoát đều. Ông Vinh cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là sự chính xác trong thi công, không được phép sai số và ý thức con người trong kiểm soát chất lượng.
Theo ý kiến của các chuyên gia, trước “trận địa” công nghệ mới này, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp Việt là một vấn đề cần được giải quyết. Nếu các doanh nghiệp không chủ động hợp tác và đầu tư công nghệ đón đầu, cơ hội tham gia dự án ĐSTĐC sẽ khó thành hiện thực. Hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển hướng tích cực.
Chẳng hạn, Tổng Công ty Đèo Cả và Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng đã hợp tác các đối tác nước ngoài để học hỏi công nghệ thi công, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo liên kết. Các doanh nghiệp khác cũng đang nghiên cứu sản xuất đầu máy toa xe và các thành phần liên quan để đáp ứng yêu cầu nội địa hóa của Chính phủ. Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT cũng đang phối hợp Trường Đại học GTVT để mở các lớp kỹ sư đường sắt, đường bộ, đồng thời hợp tác các cơ sở đào tạo khác của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Chuẩn bị về chính sách
Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đều xác định đây là cơ hội rất lớn và ý thức được trách nhiệm trong việc tham gia cùng Nhà nước để triển khai dự án theo tinh thần tự lực tự cường. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, cần có sự chuẩn bị về mặt chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, tận dụng tốt cơ hội.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Huy, cần sớm có hành lang pháp lý dành cho việc thực hiện đại dự án này. Trong đó, các cơ quan cần xem xét ban hành sớm các tiêu chuẩn ngành, khảo sát, thiết kế, nghiệm thu, thanh toán, thi công, tránh trường hợp khi cần lại chưa có. Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật của một lĩnh vực hoàn toàn mới là ĐSTĐC cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học và cả ý kiến của các nhà thầu, tạo ra hành lang pháp lý từ đầu tư thiết kế thi công đến phê duyệt.
Về cơ chế chọn nhà thầu, theo Luật Đấu thầu, khi lựa chọn có căn cứ xác định năng lực nhà thầu phải từng thực hiện 1-2 công trình ở mức độ quy mô tương đương. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, ĐSTĐC là công trình đầu tiên tại Việt Nam, nếu xét theo tiêu chí này, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó tham gia. Vì vậy, cơ quan quản lý cần xem xét lại cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt.
Giải đáp những kiến nghị của doanh nghiệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) Vũ Hồng Phương cho biết, dự án ĐSTĐC Bắc - Nam đang trình 19 nhóm cơ chế đặc thù, đặc biệt bao gồm nhiều cơ chế đã áp dụng với các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Bộ GTVT tiếp tục rà soát, chỉnh lý lại cho phù hợp. Ông Phương cũng khẳng định, quan điểm của Đảng, Chính phủ là sẽ ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu và công nghiệp đường sắt.