Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sắp về đích: Lực đẩy để vùng đất Chín Rồng cất cánh

Sau khi công trình cầu Mỹ Thuận 2 hợp long, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2023. 

Tiếp nối các công trình, dự án giao thông trọng điểm khác ở ĐBSCL đã đưa vào khai thác, dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được kỳ vọng sẽ tạo nên lực đẩy, tiếp thêm sức để vùng đất Chín Rồng cất cánh, phát triển mạnh, bền vững.

Thảm nhựa những kilômét đầu tiên của dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Thảm nhựa những kilômét đầu tiên của dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Dù lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2 đã kết thúc từ 17 giờ ngày 14-10 nhưng đến chạng vạng tối rất đông người dân ở 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long vẫn nán lại ở hai bên đầu cầu quan sát, trò chuyện cùng các kỹ sư, công nhân thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nối vào cầu.

Khuôn mặt rạng ngời, ông Lê Văn Mong (67 tuổi, ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) phấn khởi nói: “Thấy cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ ngày càng nên hình nên dáng, bà con tụi tui mừng lắm. Bao năm qua cuộc sống nghèo nàn, kinh tế chậm phát triển cũng vì đường sá cách trở, giao thông đi lại khó khăn. Giờ sắp có cao tốc phẳng lì, xe chạy bon bon, rút ngắn thời gian đi TPHCM gần phân nửa ai nấy cũng khấp khởi mừng. Vậy là hy vọng, mong chờ của chúng tôi bấy lâu nay sắp thành hiện thực…”.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, trong đó đoạn qua tỉnh Vĩnh Long dài hơn 12,5km, tỉnh Đồng Tháp dài hơn 10,4km. Tổng mức đầu tư công trình hơn 4.800 tỷ đồng. Dự án đầu tư quy mô giai đoạn 1 với 4 làn xe, vận tốc 80km/giờ.

Giống như bao người dân miền Tây, anh Nguyễn Văn Mến, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Phát, doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng hóa tuyến Cần Thơ - TPHCM, cho biết: “Tôi mong chờ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe từng ngày. Khi dự án này hoàn thành, kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và TPHCM - Trung Lương, thời gian di chuyển từ Cần Thơ đến TPHCM được rút ngắn còn 2 giờ thay vì hơn 3 giờ như hiện tại. Với một doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng hóa như tụi tui, tiết kiệm được chừng đó thời gian là tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, chưa kể kéo giảm được công sức, nhân công… Có đường cao tốc đi lại thuận lợi, hoạt động của công ty năm tới chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn”.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ), đến nay khối lượng thi công dự án đã đạt hơn 75% giá trị hợp đồng. Hiện nhà thầu đang tập trung xử lý khoảng 20km nền đường đất yếu còn lại. Việc thi công cấp phối đá dăm cũng đã đạt hơn 42% và đang triển khai thảm nhựa. Để cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe vào ngày 31-12-2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện đại diện Ban Quản lý cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thường xuyên có tại công trường để trực tiếp điều hành, đôn đốc, xử lý các thủ tục, gỡ khó cho nhà thầu thi công. Tại nhiều gói thầu, đơn vị thi công đang tăng cường kỹ sư, công nhân làm việc tăng ca, thi công cả ban đêm.

Công nhân thi công thảm nhựa công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Công nhân thi công thảm nhựa công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đánh giá, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành sẽ có ý nghĩa lớn đến kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL. Theo đó, sẽ hình thành trục cao tốc liên hoàn TPHCM - Cần Thơ, tạo động lực rất lớn cho sự phát triển nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng ĐBSCL. Vĩnh Long là địa phương có chiều dài tuyến cao tốc này đi qua nhiều nhất, sẽ có nhiều lợi thế trực tiếp. Để khai thác tối đa hiệu quả tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tỉnh đã quy hoạch 2 khu công nghiệp trên trục tuyến cao tốc này với tổng diện tích hơn 800ha (hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực), dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2023.

Hôm nay 15-10, dự án cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, nối liền 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chính thức được khởi công. Toàn tuyến dự án cầu Đại Ngãi có chiều dài trên 15km, 5 nút giao, 7 cầu. Trong đó có 2 cầu vượt chính là cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2. Tổng mức đầu tư dự án cầu Đại Ngãi là hơn 8.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Cầu Đại Ngãi khi đưa vào khai thác sẽ hình thành trục giao thông quan trọng ven biển kết nối các tỉnh thành ĐBSCL, giúp nối thông toàn tuyến quốc lộ 60, rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đi TPHCM so với đi trên tuyến quốc lộ 1 hiện hữu. Từ đó, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TPHCM và Đông Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục