Tại dự án thành phần 1 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua huyện Long Thành vào những ngày giữa tháng 8-2024, phóng viên ghi nhận trên công trường có nhiều xe lu, máy xúc, xe tải chở đất đá tập trung thi công cống, đào đắp nền, cầu vượt trên tuyến, đúc dầm.
Đại diện Công ty Lizzen cho biết, trong các gói thầu đơn vị đảm trách, đến nay gói thầu 21 (từ Km6+200 đến Km16+000) thi công mới đạt 6%, còn gói thầu 18 (từ Km0+000 đến Km6+200) thi công đạt 0,79%. Nguyên nhân là do thiếu mặt bằng, đất đắp nên phải thi công cầm chừng gây lãng phí nhân lực và tăng nhiều chi phí.
Theo cam kết với Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đồng Nai phải hoàn thành 100% công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 30-6-2024. Tỉnh đã 3 lần phát động chiến dịch 30 ngày đêm để đẩy nhanh GPMB đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tỉnh cũng điều động cán bộ từ các sở, ngành của tỉnh về hỗ trợ huyện Long Thành và TP Biên Hòa trong công tác GPMB.
Dù kết quả đạt được có tiến triển tốt hơn so với trước, nhưng chưa thể đáp ứng tiến độ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, dự án thành phần 1 đoạn qua TP Biên Hòa và huyện Long Thành mới bàn giao được 41ha/215ha; còn dự án thành phần 2 qua huyện Long Thành khá hơn, nhưng cũng mới bàn giao được 85,87ha/151ha.
Theo chủ đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, do diện tích đất bàn giao ít, không liền khoảnh, có đoạn chỉ dài 100m, xe máy, thiết bị không vào thi công được nên nhà thầu không đủ mặt bằng để thi công, việc giải ngân vốn gặp khó khăn; nếu tỉnh Đồng Nai không đẩy nhanh GPMB thì dự án đường cao tốc có nguy cơ chậm tiến độ.
Nói về khó khăn trong GPMB, ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai, thông tin, vướng mắc của đoạn dự án qua địa bàn TP Biên Hòa xuất phát từ một số vấn đề còn tồn tại ở phường Phước Tân (TP Biên Hòa). Đó là việc xác định chủ sử dụng các căn nhà ở, xác định thời điểm xây dựng nhà ở, tạo lập tài sản đang gặp khó khăn, làm mất nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Hồng Quế cho biết: “Ngành chức năng còn lúng túng trong xử lý các trường hợp người dân có nhà ở tách thành từng hộ, xây nhà ổn định, mua bán đất bằng giấy tay; theo đó chưa biết nên thực hiện tách hồ sơ từng hộ hay gộp lại những hộ này cho chủ đất”.
Để đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị Bộ TN-MT có cơ chế đặc thù, cho phép khai thác hạ cốt nền tại khu vực không phải là địa điểm quy hoạch mỏ khoáng sản và sau khi khai thác vật liệu, người dân tiếp tục sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.
Giải quyết xong vấn đề này, tỉnh Đồng Nai cam kết đưa dự án vào khai thác đồng bộ với dự án sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2026.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức khẳng định, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung ưu tiên bàn giao mặt bằng dự án thành phần 2 của đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 15-9-2024, phần còn lại thuộc dự án thành phần 1 sẽ phấn đấu bàn giao trong tháng 9-2024. Đồng Nai cam kết thực hiện công tác GPMB đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dứt điểm trong tháng 9-2024.
Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo TP Biên Hòa, huyện Long Thành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân, ổn định chỗ ở; Sở Công thương hướng dẫn các địa phương triển khai công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.