Giữa tháng 7-2023, Thiếu tá Hồ Sỹ Biên, Phó Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn (đơn vị thi công đoạn cao tốc phía Đông Hoài Nhơn - Quy Nhơn; gói thầu 11) đưa chúng tôi đi ghi nhận công trường thi công cao tốc đoạn qua xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định). Tại đây, các công nhân và phương tiện được huy động để san lấp tạo nền cho tuyến cao tốc. Do đoạn tuyến này đi qua nhiều loại địa hình phức tạp như rừng sản xuất, rừng tự nhiên phòng hộ, đồng lúa thấp trũng xen lẫn các khu dân cư nhỏ nên quá trình thi công bị đứt đoạn, nhảy cóc.
Tại đoạn thi công ở thôn Lộc Giang (xã Ân Tường Đông), Thiếu tá Hồ Sỹ Biên trình bày: “Gói thầu số 11 dài 23,5km, tổng vốn khoảng 2.900 tỷ đồng, hiện đơn vị đã giải ngân được 126 tỷ đồng (7,4%). Chúng tôi đang gặp rất nhiều vướng mắc, trong đó mặt bằng mới bàn giao được 13/23,5km, còn lại vướng bởi 3 loại: nhà cửa kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và mặt bằng phát sinh mới ngoài ranh. Khó nhất là hiện có 3km xen vào rừng tự nhiên và 2km xen vào rừng sản xuất đang vướng thủ tục, chưa được chuyển đổi đất rừng. Do hầu hết mỏ vật liệu san lấp đều tận dụng ở đồi núi thuộc rừng tự nhiên, thủ tục bị chậm trễ đã làm trì hoãn cả dự án”.
Một bất cập khác ở gói thầu 11 là ngay từ đầu, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 85, Bộ GTVT) thuê đơn vị tư vấn cắm cọc mốc bị thiếu so với thực tế thi công. Theo Thiếu tá Hồ Sỹ Biên, qua khảo sát, hầu hết các gói thầu đều phát sinh thêm diện tích mới từ 10-15m (bề ngang cao tốc). Bất cập này dẫn đến cả hệ thống phải làm đi làm lại, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ bàn giao mặt bằng.
Tương tự, tại dự án cao tốc phía Đông đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, công tác thi công đang cầm chừng do thiếu vật liệu và vướng mặt bằng. Đại diện Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT, chủ đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) nêu: “Vật liệu dự án đã được cấp phép 4 mỏ nhưng còn vướng thủ tục chuyển đổi đất rừng, thỏa thuận với dân và không có đường vận chuyển. Còn về mặt bằng, phía Quảng Ngãi hiện chưa giải phóng xong, còn ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) trên hồ sơ đã bàn giao 100% nhưng hiện trường thì đụng đâu vướng đó”.
Ngược vào dự án cao tốc phía Đông đoạn Chí Thạch - Vân Phong (trên 48km, tổng vốn 7.557 tỷ đồng), ông Phạm Trường Vũ, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án, than thở: “Nhiều nhà thầu phản ánh họ thuê máy móc, nhân lực đến hiện trường nhưng do chưa có mặt bằng, vật liệu đành phải nằm chờ. Toàn dự án cần 4 mỏ đất, 3 mỏ cát nhưng tất cả đều vướng thủ tục chưa thể khai thác được. Trong đó, mỏ đất thì mới được cấp phép một mỏ ở TP Tuy Hòa nhưng giữa nhà thầu và người dân vẫn chưa thỏa thuận được về giá bồi thường đất rừng. Việc này nhiều lần chúng tôi đã báo cáo với tỉnh, nhưng địa phương chỉ đang nghiên cứu, xem xét. Trong khi đó, theo quy định của Bộ TN-MT đối với mỏ nằm ngoài dự án thì thực hiện theo hình thức thuê, mướn, chuyển nhượng và hợp tác theo diện hợp đồng thỏa thuận dân sự nên thực sự rất khó”.
Trước những khó khăn trên, UBND các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi đang kiến nghị với các bộ ngành, nhất là Bộ GTVT, Bộ TN-MT tháo gỡ hoặc có cơ chế đặc thù để hỗ trợ các gói thầu dự án cao tốc phía Đông sớm vượt khó, về đích kịp tiến độ. Trong đó, các địa phương kiến nghị cơ chế đặc thù rút ngắn trình tự thủ tục, thời gian cấp phép các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ dự án.