Dự án du lịch chờ đề án

Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (gọi tắt Đề án du lịch sinh thái) của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) ở ven hồ Trị An với hơn 4.600ha, trong đó có 2 dự án trọng điểm là khu nuôi động vật bán hoang dã (Safari) và công viên thể thao hàng không, được lập từ năm 2017.

Qua nhiều lần chỉnh sửa, trình thẩm định nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt khiến các dự án du lịch không thể triển khai.

Đề án du lịch sinh thái quy hoạch 37 tuyến du lịch, 22 khu với 50 điểm du lịch, định hướng chung sẽ phát triển thành du lịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi, giải trí, cắm trại. Các sản phẩm du lịch hướng đến là dịch vụ sinh thái hồ, các hoạt động đua thuyền, trò chơi dưới nước, dịch vụ tham quan, chụp ảnh lưu niệm, cắm trại ven hồ, văn hóa văn nghệ và dịch vụ hàng hóa của địa phương. Đồng thời, kết nối thêm các điểm du lịch gồm điểm du lịch văn phòng khu bảo tồn từ 1km (điểm gần nhất) đến 20km (điểm xa nhất) và điểm du lịch Khu ủy miền Đông Nam bộ (cách 15km); đặc biệt có dự án Safari để phục vụ nhu cầu của du khách.

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, dự án Safari nằm trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý, được thực hiện theo hình thức cho thuê môi trường rừng (tại xã Mã Đà), với mục tiêu đến năm 2030 đạt 500.000 lượt khách/năm, doanh thu đạt khoảng 374 tỷ đồng. Vị trí khảo sát đã thực hiện xong nhưng dự án gặp nhiều vướng mắc từ các quy định tại Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Nghị định 156/2018 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp) nên đến nay, thủ tục thẩm định vẫn chưa xong.

Đề án du lịch sinh thái trải qua nhiều lần xin góp ý, họp hội đồng thẩm định và nhiều lần chỉnh sửa, trình thẩm định nhưng đến nay đã gần 6 năm vẫn chưa được thẩm định, phê duyệt nên không thể triển khai các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; các văn bản liên quan phải trình qua các sở, ngành nên mất nhiều thời gian, do đó tiến độ thực hiện đề án bị kéo dài. Đặc biệt, trong phân khu dịch vụ hành chính của khu bảo tồn đất trống theo Nghị định 156/2018 rất ít và manh mún, không đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ dự án sinh thái và đang có nhiều ý kiến khác nhau nên phải họp góp ý, chỉnh sửa, bổ sung, khảo sát nhiều lần để thống nhất.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, Luật Lâm nghiệp cũng có những điều khoản cho làm du lịch sinh thái dưới tán rừng để tăng thu nhập các hộ nhận khoán và về khoa học, việc phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng không tác động lớn đến môi trường rừng mà còn tạo ra môi trường rừng, độ che phủ rừng tốt hơn. Việc chậm phê duyệt đề án khiến các dự án mời gọi đầu tư, liên doanh liên kết, cho thuê môi trường rừng, góp phần phát triển du lịch... không thể triển khai.

UBND tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo Sở NN-PTNT nhanh chóng hoàn thành thẩm định dự án, chịu trách nhiệm về những ý kiến, đề xuất theo chức năng, nhiệm vụ của mình để lãnh đạo địa phương có hướng xem xét và giải quyết, chính thức phê duyệt đề án.

Tin cùng chuyên mục