“Chúng tôi tập trung vào cơ sở hạ tầng trên tuyến đường sắt từ Uzbekistan qua Afghanistan đến Pakistan. Khi dự án hoàn thành, chúng tôi sẽ tiếp cận các nước châu Á, và từ đó đến các nước Đông Nam Á”, Muzaffar Abduazimov, Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Uzbekistan tại Jakarta, Indonesia cho biết.
Không có biển, Uzbekistan chủ yếu dựa vào giao thông đường bộ để kết nối nền kinh tế với các nước láng giềng Trung Á. Hơn thế nữa, nền kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, với sự hiện diện mạnh mẽ hơn của các khoản đầu tư nước ngoài. Do đó, Uzbekistan hiện là một trong số ít quốc gia trên thế giới tránh được tăng trưởng tiêu cực trong bối cảnh toàn cầu chịu tác động tàn khốc của đại dịch Covid-19.
Theo Bộ Đầu tư và Ngoại thương (MIFT) Uzbekistan, Ngân hàng Thế giới đã có ý sẵn sàng tài trợ cho nghiên cứu thực địa và hỗ trợ kỹ thuật trong việc thiết kế xây dựng mạng lưới đường sắt giữa Mazar-i-Sharif-Kabul của Afghanistan và Peshawar của Pakistan.
Bộ này tuyên bố rằng, dự án đường sắt trên có tổng chi phí khoảng 5 tỷ USD với tiềm năng vận chuyển hàng năm lên đến 20 triệu tấn hàng hóa. Cấu trúc của nó sẽ có 3 ưu điểm chính.
Thứ nhất, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa giữa Nam Á và châu Âu qua Trung Á.
Thứ hai, tuyến đường sắt xuyên Afghanistan mới, cung cấp khả năng tiếp cận 3 cảng biển của Pakistan là Karachi, Bin Qasim và Gwadar, sẽ tăng đáng kể tiềm năng vận chuyển và lưu lượng hàng hóa đến Trung Á.
Thứ ba, sáng kiến này làm sống lại vai trò lịch sử của khu vực với tư cách là một kết nối giữa châu Âu và châu Á thông qua con đường đất liền ngắn nhất.
Là một phần của tầm nhìn về kết nối khu vực rộng lớn hơn, Công ty Đường sắt Nga đã đề xuất với Uzbekistan xem xét hợp tác sâu hơn trong việc xây dựng hành lang vận tải Nga - Ấn qua Uzbekistan và Afghanistan.
Công ty dự đoán sáng kiến này có thể thu hút các quốc gia Trung Á hợp tác kỹ thuật chặt chẽ hơn để cùng có lợi thông qua kết nối mở rộng. Các cuộc tham vấn giữa giới chức giao thông Uzbekistan và Giám đốc Đường sắt Nga Oleg Belozerov cũng nhấn mạnh dự án này giúp giảm 30% thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Đông và Nam Á đến Trung Á và châu Âu. Các bước tiếp theo đã được thảo luận nhằm tăng cường sử dụng các hành lang đường sắt giữa Nga và Uzbekistan, bằng cách nâng cấp và tối ưu hóa các điều kiện vận chuyển hàng hóa.
Giới hoạch định chiến lược Uzbekistan coi đây là sự khởi động của một mô hình mới cho sự phát triển khu vực, trong đó Afghanistan sẽ cung cấp một kết nối giữa Trung và Nam Á để hợp tác liên vùng cùng có lợi.
Eldor Aripov, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược của Uzbekistan, nhận định, hành lang xuyên Afghanistan sẽ mở ra một số lợi thế cho các nước Trung Á. Nó không chỉ cung cấp con đường ngắn nhất đến các thị trường đầy triển vọng của Nam Á, mà còn đa dạng hóa luồng vận tải và giảm đáng kể chi phí xuất nhập khẩu. Việc xây dựng tuyến đường sắt cũng sẽ tạo ra một nền tảng mạnh mẽ để đạt được tăng trưởng kinh tế toàn diện ở khu vực. Đồng thời, dự án này được coi là tạo ra cơ hội lớn cho hòa bình và ổn định ở Afghanistan, bằng cách kích thích tăng trưởng và tạo ra hàng chục ngàn việc làm mới.