Dự án đầu tư công: Khuyến khích áp dụng mô hình thông tin công trình

Mô hình thông tin công trình (BIM - Building Information Modeling) được kỳ vọng là công cụ giúp các chủ đầu tư giám sát chất lượng thi công xây dựng, phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận cho thấy, mô hình này chưa được áp dụng rộng rãi. PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), về vấn đề này.
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) vào nhà mẫu giúp khách hàng tìm hiểu rõ hơn về dự án đầu tư
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) vào nhà mẫu giúp khách hàng tìm hiểu rõ hơn về dự án đầu tư

PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết đến thời điểm này, đề án áp dụng mô hình thông tin công trình đã được triển khai như thế nào?

TS NGUYỄN PHẠM QUANG TÚ: Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích áp dụng BIM, nhằm từng bước nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Bộ Xây dựng đã lập riêng một trang tin điện tử (www.bim.gov.vn), trong đó có nhiều nội dung tuyên truyền, tổ chức đào tạo trực tuyến, hướng dẫn, giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai BIM. Một khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, có tới 96% cá nhân hoạt động trong ngành xây dựng đánh giá việc áp dụng BIM tại các dự án là cần thiết, nhất là dự án đầu tư công.  

TS Nguyễn Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng

Để có cơ sở cho việc triển khai ứng dụng BIM, Bộ Xây dựng đã công bố nhiều văn bản hướng dẫn; công bố các tài liệu  chi tiết phục vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ứng dụng BIM. Bộ Xây dựng cũng đã thành lập tổ chuyên gia tư vấn về BIM để hỗ trợ việc triển khai tại các dự án, hướng dẫn chủ đầu tư đăng ký dự án thí điểm. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí giám sát, đánh giá việc áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng nhằm giúp chủ đầu tư nhận biết, theo dõi, đánh giá quá trình áp dụng BIM cho dự án. 

Ông đánh giá như thế nào về kết quả ứng dụng BIM trong thực tế các doanh nghiệp hiện nay?

Kết quả tại một số dự án áp dụng BIM giai đoạn vừa qua rất khả quan, 100% số dự án đánh giá BIM góp phần giảm chi phí dự án, tiết kiệm 1%-12% chi phí xây dựng. Trong đó, 75% số dự án đánh giá tiết kiệm được 5%-12% chi phí vật liệu so với không áp dụng BIM; 89,5% số dự án đánh giá BIM góp phần rút ngắn thời gian thực hiện gói thầu thi công xây lắp 12%-15% so với tiến độ ký kết trong hợp đồng; 38,8% số dự án đánh giá BIM rút ngắn 15%-35% thời gian thiết kế...

Đồng thời, các dự án đều đánh giá BIM giúp giảm yêu cầu sửa đổi do thiết kế không phù hợp; tạo thuận lợi trong quá trình trao đổi thông tin dự án, thẩm định và phê duyệt, quá trình tổ chức lựa chọn phương án thi công cũng như quản lý chất lượng thi công xây dựng. 

Để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình, theo ông cần những điều kiện gì từ phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp?

Để áp dụng BIM rộng rãi cần có thời gian. Về phía các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng BIM trong quá trình đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình; chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án nâng cao năng lực, đẩy mạnh ứng dụng BIM trong các dự án.

Về phía Bộ Xây dựng, cần hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể hơn cho việc áp dụng BIM. Về phía doanh nghiệp, việc chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình mới (BIM) cần có bước chuẩn bị, đầu tư ban đầu về phần mềm, nâng cấp hệ thống máy tính, đào tạo nhân viên làm quen với quy trình mới để phát huy được lợi thế của BIM.


Quản lý dự án theo mô hình BIM đã phổ biến trên thế giới, nhưng tại Việt Nam còn khá hạn chế, mặc dù ngày 22-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình”.

Theo đề án, Thủ tướng yêu cầu từ năm 2017-2019, chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đào tạo kỹ năng cho việc áp dụng BIM; từ năm 2018-2020, triển khai áp dụng thí điểm tối thiểu 20 công trình xây dựng mới sử dụng vốn nhà nước; từ năm 2021, trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành thông tư, hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

BIM là một hệ thống được thiết lập với quy trình chặt chẽ từ việc xây dựng mô hình với nhiều chiều thông tin (3D, 4D, 5D…) thông qua các phần mềm chuyên dụng (Civil, Revit…) cho đến việc sử dụng các mô hình này cho giai đoạn thiết kế, thi công (quản lý khối lượng) và quản lý công trình (bảo trì, bảo dưỡng kết cấu bê tông cốt thép, các thiết bị cơ, điện, nước…) xuyên suốt dòng đời của công trình. Cùng với việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), BIM còn giúp chủ đầu tư, kỹ sư và người dân có thể tiếp cận, tương tác với công trình một cách trực quan, sinh động. 

Tin cùng chuyên mục