Theo báo cáo của Công ty Trung Nam BT1547, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ngưng thi công nguyên nhân là do chưa hoàn thành một số thủ tục cần thiết để Ngân hàng Nhà nước thực hiện thủ tục tái cấp vốn.
Để đẩy nhanh việc này, TPHCM đã có Thông báo số 297/TB-VP ngày 15-5. Theo đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành để giải quyết nhanh thủ tục theo quy định để Ngân hàng Nhà nước thực hiện thủ tục tái cấp vốn.
Liên quan thông tin dư luận bức xúc rằng chỉ mới vài cơn mưa mà nhiều nơi trên địa bàn thành phố đã ngập, và thành phố chi nhiều tiền cho nhiều dự án chống ngập nhưng Ban Điều hành Chống ngập hoạt động kém hiệu quả, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM cho rằng, thực tế chương trình giảm ngập nước đã đạt được một số kết quả nhất định như hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, đảm bảo giao thông.
Cụ thể, từ năm 2008, trên địa bàn thành phố tồn tại 126 tuyến ngập nhưng đến đầu năm 2011 đã xóa giảm 126 tuyến xuống 58 tuyến (giảm 53,97%); cuối năm 2015 thành phố còn 40 tuyến, trong đó có 17 tuyến thưòng xuyên ngập khi mưa và 23 tuyến ngập được xử lý cấp bách trước đây, đang đầu tư... Các tuyến trước đây được xem là "rốn ngập" của thành phố như khu vực vòng xoay Cây Gõ, đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Đinh Tiên Hoàng, Bình Thới, Bến xe Chợ Lớn, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Hàng Xanh đến cầu Thị Nghè), Kinh Dương Vương, Lê Lai, Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng 8, Lý Thường Kiệt... đã không còn xuất hiện tình trạng ngập nước.
Tuy nhiên, trong những cơn mưa vừa qua, xuất hiện ngập một số tuyến. Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM, nguyên nhân chính do tại các tuyến đường này có hệ thống cống nhỏ, xuống cấp, chưa hoàn chinh. Tình trạng xả rác làm cản trở dòng chảy và lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến; xử lý còn chậm...
Các dự án theo Quyết định 1547/QĐ-TTg để hỗ trợ thoát nước trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu đang thi công nên chưa phát huy hiệu quả chống ngập; một số tuyến đường đã xử lý ngập bằng giải pháp tạm (đâu nối mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo miệng thu) trong khi chờ triển khai và hoàn thành các dự án giải quyết thoát nước căn cơ theo đúng Quy hoạch 752 nên khi mưa to vẫn ngập nhưng thời gian rút nhanh.
Đối với Quy hoạch 752, hệ thống cống thoát nước thành phố (bao gồm 6 lưu vực khoảng 650km2), tổng nhu cầu để đảm bảo thoát nước là 6.000km. Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới xây mới và cải tạo 2.593/6.000km (40%), trên toàn thành phố (ngoài khu vực tính toán của Quy hoạch 752) mới đạt 4.176km. Mặt khác, qua thời gian dài sử dụng (có rất nhiều cống từ thời Pháp, Mỹ), cống có tiết diện nhỏ (khoảng 600mm + 800mm) lại cũ, hư hỏng, xuống cấp nên không đảm bảo khả năng theo quy hoạch tính toán; phần nạo vét, cải tạo kênh rạch đạt 60,3km/5.075km (khoảng 1,19%) và chưa xây dựng được hồ điều tiết nào trong 104 hồ.
Đối với Quy hoạch 1547, hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều (Cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè) (đạt 10%); xây dựng 64/129km đê bao bờ hữu (đạt 49,6%) và xây dựng 0,424 km/20km đê bao bờ tả (đạt 2,1%).
Như vậy, đến năm 2020, theo Quy hoạch 752 phải tiếp tục tập trung đầu tư, cải tạo 3.407km cống thoát nước cho vùng nghiên cứu của Quy hoạch 752 (nếu tính cho phạm vi cả TPHCM thì yêu cầu về đầu tư hệ thống thoát nước còn lớn hơn rất nhiều); cải tạo 5.017km kênh rạch và theo Quy hoạch 1547 cần phải tiếp tục hoàn thành 10 cống kiểm soát triều, 65km đê bao bờ hữu, 20km đê bao bờ tả.
Với hiện trạng như trên và cân đối khả năng bố trí vốn, TPHCM đã cân nhắc, tính toán để thực hiện trước một số dự án quan trọng nhằm giải quyết tình trạng ngập khu vực lõi của TPHCM trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tập trung đầu tư và cải tạo khoảng 200km cống thoát nước; 3 hồ điều tiết; cải tạo gần 8 trục tiêu thoát nước trọng điểm; đầu tư hoàn thành 6 cống kiểm soát triều cùng 7,8 km đê bao bờ hữu, 12km đê bao bờ tả.