Sớm tiêm vaccine cho 1.500 cán bộ, công nhân dự án
Ghi nhận tại 2 gói thầu XL11 và XL13 được các lực lượng chức năng phong tỏa do có liên quan đến dịch Covid-19, hơn 200 cán bộ, công nhân viên và người lao động của dự án đang được cách ly tập trung. Những gói thầu còn lại thi công kiểu cầm chừng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang có ý kiến để Bộ Y tế xem xét hỗ trợ, tiêm vaccine Covid-19 cho khoảng 1.500 cán bộ, công nhân đang tham gia dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Kinh phí nguồn vaccine sẽ do doanh nghiệp chi trả.
Nhận định về tiến độ dự án, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Hồ Minh Hoàng cho biết, 2 gói thầu của dự án với 200 lao động bị phong tỏa, trong khi đó tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Cái khó không kém phần quan trọng hiện nay là thời tiết miền Nam đang vào mùa mưa nên việc thi công thảm bê tông nhựa gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, vật liệu khan hiếm, giá vật liệu tăng cao cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công dự án.
Tuy nhiên, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định, để dự án không bị ngưng trệ, một ê kíp nhân sự của Tập đoàn Đèo Cả, được điều phối từ các vùng dự án không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thay thế vào các vị trí nhân sự đang phải cách ly y tế để tiếp tục điều hành thi công. Đồng thời, cố gắng tìm biện pháp để các gói thầu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn triển khai thi công 3 ca (cả ban đêm) nhằm đảm bảo kế hoạch. “Hiện chúng tôi chỉ đạo các đơn vị nhà thầu thi công, tư vấn giám sát khoanh vùng dịch, bố trí nhân sự phù hợp, tăng cường máy móc thiết bị để thi công 3 ca/ngày đêm. Bằng mọi giá đảm bảo tiến độ theo yêu cầu là phải hoàn thành thông xe kỹ thuật vào tháng 11-2021”, ông Hoàng cho biết.
Thực hiện “ba xuyên” để đảm bảo tiến độ
Theo Tập đoàn Đèo Cả, đến thời điểm này, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã triển khai thi công 31/36 gói thầu xây lắp, 5 gói thầu còn lại gồm trạm thu phí, ITS, chiếu sáng, cầu vượt và đường gom bổ sung sẽ triển khai theo tiến độ. Tổng lũy kế khối lượng đã đạt hơn 70% giá trị các gói thầu, tăng 60% so với thời điểm tháng 3-2019. Cụ thể, tuyến chính có 32,5/40km đủ điều kiện dỡ tải, trong đó đã dỡ tải xong 29/40km. Phần nền thượng K98, lớp 1 hoàn thành 24/45km, lớp 2 đã hoàn thành 20/45km. Song song đó cũng cơ bản hoàn thành 39/39 cầu trên tuyến chính, đang hoàn thiện bờ bo lan can.
Nút thắt lớn nhất hiện nay khiến dự án thi công kiểu “cầm chừng” là do nguồn vật liệu khan hiếm. Để tháo gỡ nút thắt này, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã chủ động cùng nhà thầu lên kế hoạch, báo cáo các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang làm việc với các địa phương liên quan để ưu tiên hỗ trợ cung cấp vật liệu cho công trình cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đáng lo ngại hơn, sau gần 2 năm lên kế hoạch, đến nay Bộ GTVT vẫn chưa thống nhất phương án thu phí toàn tuyến cao tốc từ TPHCM - Cần Thơ nên đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận chưa có phương án thu phí cũng như chưa xác định vị trí trạm thu phí trên tuyến chính.
Để có thể đạt được tiến độ thông xe kỹ thuật vào cuối năm khi thời gian chỉ còn 6 tháng, ban điều hành dự án đã bố trí chi tiết thật khoa học trong từng khâu, từng phần việc của mỗi gói thầu… Đồng thời, thực hiện “ba xuyên”: xuyên tuyến - xuyên đêm - xuyên dịch, vì một mục tiêu cao nhất là thông xe kỹ thuật đúng hẹn.
Ngoài đảm bảo tiến độ, dự án còn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng chống dịch Covid-19. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Hồ Minh Hoàng cho biết, hàng trăm công nhân, kỹ sư, người lao động dù phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, tất cả đều chấp hành 100% mang khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào công trình, thường xuyên sát khuẩn. Người lao động tự bảo vệ và phòng chống dịch tại nhà, hạn chế tiếp xúc người lạ.
Ông Hồ Minh Hoàng khẳng định, “bằng mọi giá phải thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay”. Và để làm tốt, đơn vị đã cắt cử quản lý luân phiên túc trực tại công trường để kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị gấp rút thi công đẩy nhanh tiến độ. Điều quan trọng không kém là việc đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu xây dựng cần đến sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng. Điều này nếu không quyết liệt, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11-2009, có chiều dài 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa kết nối với cao tốc TPHCM - Trung Lương và điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nối vào dự án cầu Mỹ Thuận 2. Tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh khoảng 12.668 tỷ đồng. |