Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông đã nhiều lần trực tiếp đến tận những hộ dân để thúc đẩy công tác giải tỏa đền bù, đây là công việc được xem là "chua" nhất. Hiện chỉ còn 46 hộ và quyết tâm hoàn tất trong vòng 2 tháng nữa. Hàng tuần, có 2 buổi tham gia thuyết phục giải tỏa đền bù. Như vậy, về mặt bằng của dự án cơ bản đã giải quyết.
Liên quan đơn giá và điều chỉnh thiết kế, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư và khẳng định với tỉnh Tiền Giang hoàn toàn yên tâm về giải pháp thay đổi kết cấu nền đường cấp phối đá dăm thay vì sử dụng hoàn toàn bằng cát và đề nghị dự án nên tiến hành theo giải pháp này. Về xử lý nền đất yếu, cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi giám sát, quan trắc kỹ trong quá trình thi công.
Đại diện Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, ông Dương Tất Sinh cho rằng, nền đất yếu là vấn đề khó khăn nhất trong thi công, đây là đặc điểm địa chất. Do đó, để có thể thi công kịp tiến độ thời gian thông tuyến vào năm 2020 thì việc thay đổi kỹ thuật xử lý và phát sinh chi phí là tất yếu và kỹ thuật quyết định chi phí.
Việc chuyển lớp móng từ vật liệu CTP sang ATP là hợp lý. Và hai giải pháp nhà đầu tư đưa ra là hoàn toàn phù hợp với dự án này.
Theo Viện Kinh tế thuộc Bộ Xây dựng, tổng mức điều chỉnh, sau khi xem xét báo cáo nhà đầu tư trình và với kinh nghiệm của viện thì hoàn toàn thống nhất. Mong tỉnh sớm ký duyệt điều chỉnh dự án, vì sớm ngày nào nhà đầu tư đỡ áp lực tài chính và sớm tháo gỡ các nút thắt khó khăn được ngày đó.
Hầu hết các ý kiến tại buổi làm việc đều cho rằng, trong tình hình gấp rút như thế này, nên chọn phương án thi công chắc chắn như đã trình. Cân nhắc việc tăng 145 tỷ đồng để thay cấp phối đá dăm cho cát, dù nó chắc chắn là chất lượng hơn so với cát. Không phản đối trong tất cả các trường hợp trong điều kiện thời gian gấp rút của tiến độ dự án nếu các phương án chứng minh được chất lượng tốt hơn, thời gian nhanh hơn.
Theo các chuyên gia về xây dựng hạ tầng giao thông, tồn tại lớn nhất của dự án này hiện nay là vấn đề tín dụng, tức là ngân hàng có cho vay hay không mới quyết định đến tính khả thi của dự án chứ không phải phát sinh chi phí, hay lo lắng về chất lượng.
Vì vậy, các bên, cụ thể là tỉnh Tiền Giang cần khẩn trương mời Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng tài trợ tín dụng cùng với chủ đầu tư để bàn bạc, thống nhất cụ thể phương án tài chính cho dự án. Không thể để ngân hàng cho vay tự đưa ra 18-20 điều kiện trong điều khoản cho vay, gây khó khăn cho dự án. Cần hỏi thẳng là có cho vay hay không để tìm ngân hàng khác tài trợ vốn. Dự án có thực hiện được hay không chính là ở ngân hàng chứ không phải cơ quan quản lý?!
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh: Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, dù Bộ GTVT không còn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng sẽ cùng UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm về dự án này, đó là quan điểm nhất quán. Trách nhiệm rõ ràng là thuộc Bộ GTVT vì bộ là cơ quan chọn, trình dự án. Vì vậy, rất mong các bên liên quan, doanh nghiệp, UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT vướng việc gì thì cùng nhau ngồi lại bàn bạc, thống nhất để dự án hoàn thành đúng kế hoạch. |
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Hưởng đánh giá cao sự phối hợp của các bên và Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt thời gian tới sẽ hỗ trợ tỉnh để dự án đưa vào vận hành đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ngày mai (2-8), tỉnh sẽ rà soát lại và ký phê duyệt điều chỉnh dự án, sẽ sớm mời Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án cùng chủ đầu tư “chốt” phương án cho vay hay không. Đây mới là vấn đề quyết định dự án có làm được hay không. Tỉnh sẽ cử Giám đốc Sở Xây dựng và Sở GTVT trực tiếp làm việc với Bộ GTVT để giải trình các vấn đề liên quan đến dự án.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hết mọi khả năng để cùng nhà đầu tư thực hiện dự án này. Thời gian qua chậm trễ là do chưa có kinh nghiệm. Về phương án tài chính, tỉnh cũng xin nhận khiếm khuyết về nhận định trong biên bản là "không có căn cứ pháp lý" và sẽ điều chỉnh ngay.
“Vấn đề tăng hay giảm chi phí không băn khoăn nữa, mà phương án kỹ thuật đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ hoàn thành dự án sẽ quyết định vấn đề này. Sớm một ngày có lợi cho đất nước bao nhiêu mới là quan trọng và mang ý nghĩa lớn nhất chứ không phải là tăng vài trăm tỷ. Xây dựng tiến độ thi công chi tiết để UBND tỉnh kiểm soát chặt chẽ và phân bổ kinh phí đúng tiến độ. Nhờ Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Cục Quản lý chất lượng công trình Bộ GTVT thường xuyên tham gia kiểm tra, giám sát chất lượng công trình để tránh những sai sót và rủi ro chất lượng về sau. Tỉnh sẽ làm hết trách nhiệm để thực hiện đúng tiến độ mà Thủ tướng đã chỉ đạo”, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.
Ngày 31-12-2020 thông xe (trên 2 lớp mặt đường) và ngày 30-4-2021 thông xe, khánh thành, chủ đầu tư phải tuân theo quyết định của tỉnh Tiền Giang. Do đó, vấn đề phát sinh chi phí là tất yếu. Hoàn toàn đồng tình toàn bộ các giải pháp xử lý nền đất yếu của nhà đầu tư, dù tăng thêm khoảng 220 tỷ đồng. Về kết cấu mặt đường tăng 256 tỷ đồng. Bộ GTVT không phản đối phương án của nhà đầu tư đưa ra. Bộ GTVT sẽ cử Cục Quản lý xây dựng đồng hành hỗ trợ dự án để đảm bảo triển khai sớm để không lỗi hẹn với người dân ĐBSCL. UBND tỉnh đề nghị Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước và Cục Quản lý xây dựng thường xuyên hỗ trợ, kiểm tra dự án để thúc đẩy dự án trong suốt quá trình triển khai đánh giá sau này. |