Theo đó, mức thu từ 30.000 đồng - 160.000 đồng mỗi lượt xe (tùy theo loại xe). Riêng ô tô của người dân hai bên tuyến không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận tải sẽ được miễn phí; xe của các doanh nghiệp nằm trên tuyến chỉ thu phí một lần và được giảm 20%.
Thống kê sơ bộ, mỗi ngày trên tuyến đường tỉnh 830-824 có khoảng 4.500 ô tô qua lại, do đó dự kiến, phương án thu phí hoàn vốn kéo dài 18 năm.
Dự án đường ĐT 830 - 824 được UBND Long An phê duyệt năm 2016 với tổng mức đầu tư 1.079 tỷ đồng. Công trình dài gần 24 km với 4 làn xe, xây 8 cầu mới, vận tốc thiết kế 80 km/giơg, riêng các đoạn qua khu đô thị chạy vận tốc 60 km/giờ.
Dự án bắt đầu từ ngã ba thị trấn Đức Hòa đi Hậu Nghĩa hoặc Bến Lức. Đây cũng là điểm kết nối tỉnh lộ ĐT 824 vào đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10) của TPHCM. Trên tuyến có 2 trạm thu phí thuộc xã An Thạnh, huyện Bến Lức và xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hòa.
Ông Nguyễn Văn Cường cũng cho biết, việc nâng cấp dự án ĐT 830 sẽ nâng cao năng lực trung chuyển hàng hoá từ các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Long An, đồng thời tăng cường vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM, góp phần giảm áp lực cho các tuyến đường cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, đây là tuyến tỉnh lộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh được đầu tư theo hình thức BOT. Tỉnh đang xem xét thận trọng đầu tư nhiều tuyến đường khác, các cảng sông theo hình thức BOT hoặc BT để phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư theo trục dọc quốc lộ 1A, cao tốc Trung Lương và trục ngang là các tuyến tỉnh lộ.
Đại diện Sở GTVT cũng cho biết, tuyến ĐT 830 không phải tuyến độc đạo. Người dân, doanh nghiệp có thể chọn đi bằng tuyến ĐT 816. Tuyến ĐT 816 hiện chỉ rộng 5,5-7 m và các cầu trên tuyến chỉ cho phép xe dưới 8 tấn chạy qua.