Dự án… bỏ hoang

Hàng loạt dự án bất động sản nhà ở được đầu tư xây dựng cách đây cả chục năm nhưng đến nay vẫn là những bãi cỏ hoang, hoặc xây xong rồi bỏ hoang. Tình trạng trên dẫn đến lãng phí, bộ mặt đô thị bị biến dạng… Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng trên không phải chuyện dễ.
Dự án… bỏ hoang

Hàng loạt dự án bất động sản nhà ở được đầu tư xây dựng cách đây cả chục năm nhưng đến nay vẫn là những bãi cỏ hoang, hoặc xây xong rồi bỏ hoang. Tình trạng trên dẫn đến lãng phí, bộ mặt đô thị bị biến dạng… Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng trên không phải chuyện dễ.

        Những khu đô thị vắng người

Năm 2004, UBND TPHCM có phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 Khu đô thị mới Đông Tăng Long với diện tích gần 160ha tại phường Trường Thạnh quận 9. Đến năm 2006, UBND TP giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư xây dựng dự án. Lãnh đạo TP rất kỳ vọng vào sự thay đổi của khu vực này khi đại diện chủ đầu tư, cho biết sẽ xây dựng các chỉ tiêu về cây xanh, mặt nước tại dự án theo tiêu chuẩn… châu Âu. Đến nay, “kỷ niệm” 10 năm dự án được phê duyệt quy hoạch 1/500 và 8 năm TP có quyết định giao đất cho chủ đầu tư nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, hạ tầng nham nhở.

Có mặt tại dự án vào những ngày sau tết, chúng tôi ghi nhận phần lớn dự án là những bãi cỏ mọc phủ đầu người rộng mênh mông chẳng khác gì đồng cỏ hoang. Bên cạnh những bãi cỏ này luôn gắn biển báo nguy cơ cháy vào mùa khô. Chỉ một vài căn nhà xây dựng bên ngoài dự án nhưng cũng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Bên trong dự án, một số đường nội bộ được thảm nhựa, hệ thống điện chiếu sáng được xây lắp (nhưng chưa đấu nối) lâu ngày không sử dụng đã xuống cấp trầm trọng. Một số người dân tận dụng con đường băng ngang dự án để đi tắt ra đường Nguyễn Duy Trinh nhưng họ cũng chỉ dám đi vào ban ngày. Cách đây hơn một năm, để “làm nóng” dự án, một đơn vị môi giới tổ chức sự kiện ngay dự án để bán nhưng kết quả không như mong đợi.

Hàng chục căn biệt thự, nhà phố tại dự án Khang An (quận 9) xây dựng đến phần hoàn thiện thì bỏ hoang từ nhiều năm nay. Ảnh: BÌNH MINH

Hàng chục căn biệt thự, nhà phố tại dự án Khang An (quận 9) xây dựng đến phần hoàn thiện thì bỏ hoang từ nhiều năm nay. Ảnh: BÌNH MINH

Năm 1997 dự án khu nhà ở dành cho cán bộ, nhân viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM được triển khai tại phường Phú Hữu quận 9. Tuy nhiên, từ đó đến nay chỉ một vài ngôi nhà mọc lên, còn lại vẫn hoang hóa, một số khác được chủ nhân xây tường giữ đất. Một người dân sống tại đây cho biết, 10 năm nay khu này hạ tầng vẫn nham nhở, chỉ một vài ngôi nhà mọc lên. Tuy gần đây một số con đường quan trọng gần dự án được đưa vào sử dụng như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng dự án vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng hoang hóa.

Cách đó không xa là dự án khu dân cư Khang An với hàng chục biệt thự, nhà phố đã thi công đến giai đoạn hoàn thiện nhưng vẫn phải bỏ hoang từ nhiều năm nay. Một số xuống cấp trầm trọng được chủ nhân xây bít cửa ra vào để ngăn người nghiện vào chích hút, một số căn biệt thự trở thành nơi nuôi chim yến với tiếng máy “dụ” yến réo rắt cả ngày.

Tình trạng “hoang hóa” như các dự án nói trên diễn ra khá phổ biến tại TPHCM, nhất là tại các quận, huyện ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa như Nhà Bè, Hóc Môn, quận 2, quận 9… là vấn đề “nhức đầu” không chỉ cho chính quyền mà cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, đất.

        Xử lý: Không dễ

Hầu hết các dự án rơi vào tình trạng nói trên do đầu ra bị “tắc”, chủ đầu tư không có khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng; một số dự án người mua chỉ để đầu cơ đợi giá lên bán nên chẳng cần xây nhà. Liên quan đến việc thu hồi các dự án chậm triển khai thời gian qua, các cơ quan chức năng đã làm khá quyết liệt nhưng chỉ dừng lại xem xét đối với các dự án đang trong giai đoạn thuận chủ trương đầu tư hay bồi thường dở dang. Trong khi các dự án nói trên đã được giao đất cho chủ đầu tư và đã được chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, một số được người mua xây nhà nên xử lý không dễ.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết các dự án khu dân cư xây dựng hạ tầng dở dang rồi ngưng hay xây nhà xong không người ở, gây nên tình trạng lãng phí không chỉ cho nhà nước mà cả chủ đầu tư và người dân. Có những dự án chủ đầu tư bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đền bù, thi công hạ tầng… xong bỏ hoang từ năm này sang năm khác, hạ tầng ngày một xuống cấp, tài nguyên đất bị lãng phí. Thời gian qua, tuy các bộ phận chức năng của từng sở ngành cũng đã gặp gỡ các chủ đầu tư đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án để đảm bảo quy hoạch, mỹ quan đô thị nhưng cũng chưa có biện pháp chế tài gì.

Giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ ai cũng muốn dự án mình đẹp, hạ tầng đâu ra đó. Nhưng làm xong bán không ai mua, không có người ở cũng sẽ xuống cấp, do đó không ai đem tiền đi phơi nắng phơi sương kiểu ấy. Quyền lợi của người dân mua nhà, đất tại các dự án nói trên cũng bị vạ lây, hạ tầng không được kết nối, chậm cấp chủ quyền nhà đất…

Mới đây, Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 20 có hiệu lực vào đầu tháng 1-2014 để xử lý những dự án “chậm triển khai”. Theo quy định của Thông tư liên tịch 20, UBND các cấp sẽ giao Sở Xây dựng chủ trì tổ chức rà soát đánh giá thực trạng triển khai và phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư trước ngày Nghị định số 11/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (các dự án chuyển tiếp - PV). Căn cứ trên kết quả rà soát, đánh giá này, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc dừng, tạm dừng hoặc cho tiếp tục triển khai các dự án.

Thông tư liên tịch 20 cũng đưa ra những nguyên tắc cơ bản để phân loại dự án thành 4 nhóm: Nhóm dự án được tiếp tục triển khai; Nhóm các dự án cần điều chỉnh để tiếp tục triển khai; Nhóm các dự án tạm dừng và nhóm các dự án phải dừng. Trong đó, nhóm các dự án phải dừng là những dự án không giải phóng được mặt bằng, dự án có chức năng không phù hợp quy hoạch đô thị được duyệt; dự án thực hiện chậm tiến độ phải bị xử lý thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai và bất động sản.

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục