Ngày 24-7, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM cho biết vừa kiến nghị UBND TP giao Sở Tài chính dự thảo văn bản để UBND TP kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét, bổ sung nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ trung ương cho dự án vệ sinh môi trường TP, giai đoạn 2 nhằm đảm bảo giải ngân kịp thời, tránh việc bị phạt do chậm thanh toán.
Dự án vệ sinh môi trường TP, giai đoạn 2 được triển khai nhằm hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (bao đồm các quận 1, 2, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận).
WB đã ký hai hiệp định tín dụng cho vay vốn thực hiện dự án trên vào tháng 3-2015. Sau đó, hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính và UBND TP được ký vào tháng 7-2015. Tuy nhiên, đến nay giá trị giải ngân nguồn vốn WB cao nhất cũng chỉ được 11% (khoảng 22,8 triệu USD).
Theo Sở KH-ĐT, dự án vệ sinh môi trường TP, giai đoạn 2 không gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân nhưng ngân sách trung ương bố trí 530 tỷ đồng trong khi nhu cầu vốn của năm 2017 là 830 tỷ đồng. Vì vậy, chủ đầu tư dự án này Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP kiến nghị được bổ sung vốn nước ngoài cấp phát từ trung ương 300 tỷ đồng nhằm đảm bảo kịp giải ngân cho các đơn vị tư vấn, nhà thầu theo đúng tiến độ, tránh việc trả lãi do chậm thanh toán cho các nhà thầu.
Sở KH-ĐT cũng kiến nghị UBND TP giao Sở Tài chính tiếp tục tổng hợp, dự thảo văn bản để UBND TP gửi Bộ KH-ĐT báo cáo các khó khăn, vướng mắc của các dự án nêu trên, trong đó có kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét, bổ sung nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ trung ương cho dự án vệ sinh môi trường TP, giai đoạn 2 nhằm đảm bảo giải ngân kịp thời, tránh việc bị phạt do chậm thanh toán.
Vì vậy, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm ứng hơn 3.300 tỷ đồng trong năm 2017 cho TPHCM từ nguồn kế hoạch vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 do ngân sách trung ương cấp phát cho dự án tuyến metro số 1 để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành năm 2020 theo kế hoạch.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương ứng vốn ODA cho dự án tuyến metro số 1 để TPHCM thực hiện dự án, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7.
Giải ngân vốn ODA theo hiệp định và tiến độ dự án
Theo UBND TP, nhu cầu vốn ODA nguồn ngân sách trung ương cấp phát giai đoạn 2016-2020 của 2 dự án trọng điểm của thành phố là hơn 29.510 tỷ đồng. Trong đó, trong đó dự án metro số 1 khoảng 20.930 tỷ đồng và dự án cải thiện môi trường nước TP, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 là hơn 8.580 tỷ đồng.
Mặc dù UBND TP đã 3 lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ vốn cho 2 dự án trên nhưng Bộ KH-ĐT chỉ bố trí gần 11.520 tỷ đồng. Số vốn này chỉ đáp ứng được 39% nên TP không đủ tiền thanh toán cho các nhà thầu. Vì vậy, các nhà thầu thi công nhiều lần đề nghị thanh toán, nếu không sẽ dừng thi công.
Vì vậy, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, bổ sung hơn 17.990 tỷ đồng cho 2 dự án trên trong giai đoạn 2017-2020. Việc này nhằm bảo tiến độ dự án đưa vào sử dụng vào năm 2020 và tránh bị lãi phạt chậm thanh thoán.
Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho công tác giải ngân và tránh tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ODA hàng năm, UBND TP cũng kiến nghị chấp thuận việc giải ngân vốn ODA đối với các dự án được thực hiện theo hiệp định đã ký kết và tiến độ của dự án nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Trước các kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý để đẩy mạnh giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho TPHCM sớm hoàn thành các dự án ODA trên địa bàn. Kết quả phải báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-8.