Tăng cường hợp tác
Bộ trưởng cấp cao kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamduddin Hussein cho hay, sau 4 năm kể từ lần tổ chức gần nhất vào năm 2018, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Lực lượng vũ trang Malaysia đồng chủ trì tổ chức DSA 2022 và NATSEC 2022 trong thời gian 4 ngày với chủ đề “Tiến vào kỷ nguyên quốc phòng và an ninh mới”.
Theo quan chức này, có hơn 350 đại biểu cấp cao đến từ 45 quốc gia, khu vực, bao gồm các Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang, Tổng Thanh tra cảnh sát, tướng lĩnh quân đội cấp cao và thủ trưởng các cơ quan an ninh mạng tham gia các cuộc thảo luận về an ninh quốc phòng.
Là một trong những triển lãm quốc phòng và an ninh hàng đầu thế giới, DAS 2022 và NATSEC 2022 sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới về một Malaysia mở cửa kinh doanh và là điểm đến lý tưởng cho đầu tư và thương mại - chất xúc tác cần thiết để thúc đẩy cũng như đóng góp vào nỗ lực phục hồi của quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Ông Hishamuddin cũng cho biết trong 4 ngày diễn ra sự kiện, 1.170 doanh nghiệp, nhà sản xuất từ 54 quốc gia sẽ giới thiệu phần cứng và thiết bị điện tử hiện đại trang bị cho các lực lượng bộ binh, không quân và hải quân, cũng như các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực an ninh mạng, bảo vệ biên giới, căn cước công dân, trí tuệ nhân tạo, quân y, hệ thống đào tạo và mô phỏng, thiết bị ngoại vi của cảnh sát và an ninh nội địa cùng các hệ thống bảo vệ các tài sản quan trọng. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Malaysia phối hợp với Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Malaysia (MiDAS) sẽ tổ chức Diễn đàn Putrajaya 2022 với chủ đề “Chia sẻ trách nhiệm khu vực”, gồm 2 phiên thảo luận tập trung vào “Thích ứng với tình hình an ninh khu vực” và “An ninh không biên giới”.
Chủ động đối phó
Viện Brookings (Mỹ) dự báo đến năm 2030, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới với 3,5 tỷ người thuộc tầng lớp trung lưu, lớn hơn tất cả các khu vực khác cộng lại và sẽ quyết định xu hướng vận động của thị trường toàn cầu. Khu vực này là nơi tập trung các điểm nóng như biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, khủng bố và nổi lên một số thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, năng lượng… Thực tế, nhiều năm qua, các điểm nóng tại khu vực đã trở nên phức tạp hơn, và thường chỉ được tạm thời lắng xuống sau những thời điểm căng thẳng leo thang đến bờ vực xung đột, chiến tranh… đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực hợp tác, chủ động đối phó, trong đó có tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, biến đổi khí hậu, đại dịch và nhiều mối đe dọa khác.
Việc trở thành một khu vực năng động, là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng khiến châu Á - Thái Bình Dương là địa bàn tập trung các loại tội phạm xuyên quốc gia, trong đó đáng chú ý là tội phạm ma túy, buôn người, buôn lậu vũ khí, tội phạm môi trường và tội phạm sử dụng công nghệ cao. Để đối phó với các nguy cơ, thách thức đang có xu hướng gia tăng và đe đọa đến môi trường hòa bình, ổn định của khu vực, các quốc gia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, thúc đẩy các cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương trên các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực an ninh nói riêng trong thời gian tới.
Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu cùng đại diện một số quân chủng, tổng cục đã tham quan các gian hàng, tham khảo các trang thiết bị, vũ khí khí tài quân sự và công nghệ quốc phòng tối tân. Trong cuộc họp ba bên bên lề DSA 2022 và NATSEC 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, Indonesia và Philippines đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hợp tác nhằm giảm thiểu các mối đe dọa trong các vùng biển Sulu và Celebes; nhất trí tăng cường kết nối giữa trung tâm chỉ huy hàng hải của ba nước giúp trao đổi thông tin, giám sát và thực hiện hiệu quả các hoạt động giám sát hàng hải và hàng không, đồng thời tăng cường hiện diện trên biển, nâng cao sức mạnh tổng hợp góp phần ngăn chặn các mối đe dọa an ninh trong các vùng biển này. |