Đột xuất kiểm tra để ngăn chặn tình trạng găm hàng chờ tăng giá

Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tái diễn hiện tượng găm hàng chờ tăng giá trong dịp nghỉ lễ như các năm trước, Bộ trưởng Bộ Công thương vừa có chỉ thị yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá.
Lực lượng quản lý thị trường sẽ đột xuất kiểm tra, ngăn chặn tình trạng găm hàng chờ xăng dầu tăng giá

Lực lượng quản lý thị trường sẽ đột xuất kiểm tra, ngăn chặn tình trạng găm hàng chờ xăng dầu tăng giá

Theo quy định, vào ngày 1-9 sẽ điều hành giá xăng dầu theo định kỳ 10 ngày một lần. Tuy nhiên, do trùng vào kỳ nghỉ lễ nên ngày điều hành giá xăng dầu sẽ được lùi lại vào sau kỳ nghỉ lễ.

Theo Bộ Công thương, trong vòng gần 2 tháng qua, giá xăng dầu trong nước đã có 5 lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp. Trong khi thị trường xăng dầu thế giới hiện vẫn đang có những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá bản lẻ xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Đó là các yếu tố như: lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; lạm phát vẫn ở mức cao khiến nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ, áp lãi suất cao để đối phó với áp lực lạm phát; kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh… .

Để tránh tình trạng tái diễn đầu cơ găm hàng chờ tăng giá như các năm trước, Bộ Công thương ban hành chỉ thị tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công thương sẽ điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước, giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối có năng lực để chủ động đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống.

Vụ Dầu khí và than được giao theo dõi sát tình hình sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong nước, đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường theo kế hoạch đã đăng ký. Trong trường hợp các nhà máy dừng vận hành (để bảo trì, bảo dưỡng) gây ảnh hưởng đến sản lượng, Vụ Dầu khí và than phải báo cáo bộ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công thương yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (cả về số lượng, chủng loại).

"Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối đến doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên", chỉ thị nêu.

Để tránh tình trạng đứt mạch nguồn cung từ các nhà sản xuất, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh phân phối có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước (tại hợp đồng ký kết giữa các bên), trong đó có cam kết về các chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm.

Bộ Công thương cũng giao Vụ KH-CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Thông tư số 43/2015/TT-BCT quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; đánh giá việc triển khai Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Tin cùng chuyên mục