Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định, Phật giáo không có tục đốt vàng mã và việc đốt vàng mã là vô nghĩa.
PHÓNG VIÊN: Đốt vàng mã đã trở thành một thói quen trong xã hội và đang có xu hướng ngày càng phát triển, biến tướng do nhiều người không hiểu tường tận ý nghĩa của việc làm này mà chỉ thực hành theo tâm lý đám đông. Hòa thượng có thể giải thích rõ hơn về tục này?
Hòa thượng THÍCH GIA QUANG: Tục đốt vàng mã trong Phật giáo không có. Đây là tập tục có lâu đời của người Trung Quốc hướng về kính hiếu thần thánh, ông bà tổ tiên… Trước đây, giáo hội đã có nhiều văn bản hướng dẫn người dân, bà con phật tử không nên đốt vàng mã; hướng dẫn làm thế nào để trang nghiêm, tốt đẹp trong lễ hội, hiếu hỷ trong giới Phật giáo. Gần đây, khi kinh tế phát triển, người dân có điều kiện kinh tế hơn nên tập tục này đã phát triển mạnh trở lại.
Để tránh những lầm tưởng cho rằng đây là nghi lễ của Phật giáo, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng không tích cực từ tập tục này gây ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản nhắc nhở trụ trì các chùa phổ biến, khuyến cáo người dân hiểu rõ hơn, tường tận hơn để hạn chế và dần dần đi đến từ bỏ tục đốt vàng mã, đặc biệt là tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng thờ Phật.
Việc đốt vàng mã không có trong giáo lý nhà Phật, vì thế hành vi này tại các chùa chiền có phải là vô nghĩa không, thưa Hòa thượng?
Việc làm này vô nghĩa với đạo Phật. Thể hiện tâm linh của người dân với các bậc thần thánh, quan trọng nhất vẫn là thành tâm. Cần khuyến cáo bà con hiểu rằng việc kính hiếu các thần linh, ông bà tổ tiên về mặt tâm linh đều đáng trân trọng, nhưng cũng phải hiểu rằng các ngài là thần thánh, còn ông bà tổ tiên đều đã chuyển sang đời sống khác. Do đó, tất cả đều không còn dùng đồ tương tự như ở trần gian này nữa. Có đốt nhiều, hóa vàng nhiều thì các bậc thần linh, ông bà tổ tiên cũng không dùng được. Nếu người dân hiểu rõ được điều này mà tự bỏ được hành vi đốt vàng mã thì rất tốt.
Như Hòa thượng phân tích thì nhiều người quan niệm sai lầm rằng việc đốt vàng mã là bày tỏ tấm lòng thành kính với thần phật, tổ tiên. Nhưng ngoài cách thức hóa vàng mã thì có cách thức nào khác để người dân có thể lựa chọn để bày tỏ lòng thành?
Khi người dân hiểu rằng thành kính, tri ân, chính là sự thành tâm, rằng bậc tiền nhân, người quá cố… không dùng đồ của người trần gian thì tôi tin họ sẽ không mù quáng mà đốt thật nhiều đồ vàng mã. Còn việc bày tỏ lòng thành kính thì có thể hướng mọi người tụng kinh, niệm phật, giúp người nghèo, làm việc có ích làm từ thiện xã hội… Tôi tin như vậy không chỉ nuôi dưỡng tâm trong sáng mà chắc chắn ông bà, tổ tiên cũng vui vì việc làm của họ.
Không chỉ đốt đồ mã mà tục dâng sao giải hạn cũng từng được xác định là không có trong giáo lý nhà Phật, thưa Hòa thượng?
Cúng sao giải hạn đúng là trong Phật giáo cũng không có nhưng có lễ cầu an, thể hiện trước Phật thánh, cầu mong có được sự bình an, sức khỏe, may mắn, thành công trong cuộc sống. Thay vì dâng sao giải hạn thì làm lễ Phật cầu an, tụng kinh Phật, làm theo tấm gương của Phật, cầu Phật để có nhiều an lành, thành công, hạnh phúc trong cuộc sống.
Nhiều người vẫn luôn tâm niệm rằng phải làm mâm cao, cỗ đầy thì thần phật mới chứng. Điều này hiểu có đúng không, thưa Hòa thượng?
Cầu nghĩa là bày tỏ sự mong muốn, còn được hay không là chuyện khác. Nếu mình thành tâm, chỉ làm điều tốt lành thì việc lễ sẽ được an. Nhưng nếu mình không làm điều tốt lành, không thành tâm, không sống tốt thì chắc chắn khó có thể được an. Người làm lễ cũng phải hướng cho người đi lễ làm những điều tốt lành, nhất tâm làm theo điều Phật dạy thì buổi lễ đó mới có ý nghĩa.
Cầu phúc, tài, lộc, thọ, bình an là nguyện vọng chính đáng của mỗi con người. Có cầu được hay không là do chính sự thành tâm, do hành động của mỗi người. Việc xin và tạ, tôi không dám bình luận nhưng làm gì thì quan trọng cũng ở lòng thành kính, ở tấm lòng, không nhất thiết phải đi lễ tạ, phải lễ to. Các ngài đã là thánh, là thần, các ngài không có nhu cầu cần đến lễ to, lễ lớn.
Việc sắp lễ cũng như vậy. Ban tam bảo thì lễ hương, hoa quả… thành tâm, thành kính chứ không nhất thiết phải đầy lễ, phong phú. Các ban lễ thánh có thể bày chút lễ mặn ngoài hoa quả cũng không sao. Nếu cứ phải lễ đầy, lễ nhiều thì không lẽ nhà giàu họ cầu, họ xin được hết, người nghèo không được chứng tâm? Nếu hiểu như vậy thì phải chăng người nào càng giàu có, cung tiến lên chùa càng nhiều thì sẽ được sống mãi mà không phải tu tâm tích đức hay sao?
Hãy hiểu rằng đến lễ chùa cần có cái tâm để tự cải thiện mình theo lời dạy của Phật là làm phúc, làm điều lành, không làm điều ác. Thiên kinh vạn quyển của nhà Phật cũng chỉ dạy và khuyên con người có như vậy chứ không có chuyện dâng tiền lễ càng nhiều thì gặp càng nhiều điều tốt và là hoàn toàn hiểu sai, trái ngược với luật nhân quả theo tinh thần của đạo Phật.
Xin cảm ơn Hòa thượng