Thờ cúng tổ tiên là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa đến nay. Cùng với đó là việc thắp hương, đốt vàng mã, nhất là vào các ngày rằm, mùng một, đặc biệt tăng cao vào các dịp lễ tết. Tục đốt vàng mã từng được bàn nên bỏ, bởi có những trường hợp được xem như hủ tục. Bàn chuyện vậy thôi còn trên thực tế ngày càng nhiều người đốt vàng mã và nhiều thứ khác như nhà lầu, xe hơi… bằng giấy. Người ta nghĩ ra lắm thứ xa hoa mà người âm cần “xài” và quan niệm cúng càng to thì được nhận phúc lộc càng lớn nên sản xuất vàng mã cứ thế phát triển. Các thống kê đã chỉ ra, khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng mỗi năm. Riêng tại TP Hà Nội và TPHCM, người dân đã tiêu tốn mấy trăm tỷ đồng/năm cho việc đốt vàng mã. Nhiều người bỏ 3 - 5 triệu đồng mua sắm vàng mã đốt để cầu phước cầu lộc, nhưng không sẵn lòng chia sẻ với người nghèo khó.
Đốt vàng mã là… đốt tiền và hàng chục ngàn tấn giấy đó biến thành khói, gây ô nhiễm môi trường sống. Không khí chúng ta đang hít thở hiện nay vốn đã quá tệ vì khói xe, bụi bặm, các loại chất thải, thì khói bụi từ đốt vàng mã lại làm cho ô nhiễm nặng thêm. Đốt tiền, hủy hoại môi trường, hủ tục đốt vàng mã còn là một trong những nguyên nhân gây ra hỏa hoạn và vụ cháy kể trên là ví dụ điển hình. Người ta đốt vàng mã bất chấp nguy hiểm và tạo ra những thiệt hại, có đôi khi là không gì bù đắp nổi cho cộng đồng, xã hội.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu loại bỏ việc đốt vàng mã trong các ngày lễ tết và điều này đã được nhiều người trân trọng, hoan nghênh. Rất mong người dân tiếp tục xem đây là hành động thiết thực để từ bỏ hủ tục không có lợi này. Từ đó, cũng loại bỏ triệt để dần một thói quen không tốt, cũng là ngọn nguồn dễ dẫn đến cháy nổ thời gian qua.