Đã thành tục lệ từ nhiều năm qua, cứ dịp rằm hay giỗ chạp chị Điệp và nhiều gia đình thường dâng cúng lễ vật đến ông bà tổ tiên, như cách tưởng nhớ, báo hiếu cha mẹ, người thân đã quá cố.
“Sống sao, chết vậy”, hay “dương sao, âm vậy” là quan niệm của ông bà xưa để lại, nên cứ đến dịp cúng giỗ hay ngày rằm, ngày tết, ngoài mâm cơm cúng ra phải có giấy tiền vàng mã, đồ vật làm bằng giấy như thật dâng đốt. Từ đó, việc đốt vàng mã trở thành một phong tục tập quán, nét văn hóa lưu truyền qua nhiều thế hệ gia đình Việt.
Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TPHCM), cho rằng: “Có quan niệm nói đốt vàng mã là lãng phí. Thực tế thì chưa hẳn là đúng, bởi từ thời thượng cổ, con người có tục lệ, khi nhà có người thân qua đời, gia đình phải chia đều tài sản cho họ rồi chôn theo, được gọi là tùy táng. Như thế là rất lãng phí. Nhưng từ thời Phật giáo du nhập và chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Lão giáo, đã chế tác ra đồ giả đem chôn theo người chết. Quan niệm và tục lệ này trước hết là bảo vệ sinh mạng, thứ hai là tiết kiệm rất nhiều. Thay vì phải chôn đồ thật theo người chết, thì chôn theo đồ giả.
Những năm gần đây, con người đã dùng phương tiện làm tấm lòng tượng trưng, biểu hiện qua đồ mã, đồ giả để đốt cho người quá cố. Điều này tạo ra một nghề truyền thống làm đồ mã, tạo công ăn việc làm cho những người nghèo không cần tay nghề, kỹ nghệ cao, chỉ ngồi dán thủ công lên những đồ mã. Qua đó, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định với nghề nghiệp, công việc của mình. Những chất liệu làm vàng mã rất đơn giản, đều là những rác thải, bọng tre, nứa, vật liệu tự nhiên dễ tiêu hủy, không gây ảnh hưởng môi trường.
Cũng theo Thượng tọa Thích Thanh Phong, cái chính là khuyến khích phật tử và người dân đốt vàng mã trong các lễ cúng làm sao cho đúng mới là điều quan trọng. Chúng ta không vì lòng tham đốt nhiều để được ông bà, tổ tiên hay bề trên phù hộ cái gì, mà đốt đây là cái lòng tưởng nhớ đến ông bà. Nhưng thực tế vẫn còn có nhiều người chưa hiểu hết được, nên mới thành thói quen của văn hóa tâm linh, cứ đến ngày mùng 1, ngày rằm, ngày vía, ngày giỗ là đốt để yên tâm, cảm thấy đã làm đủ hiếu.
“Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều nghĩ rằng, mình làm đúng như thế này sẽ được ông bà phù hộ, che chở, đó cũng là hình thức để an tâm. Nhưng chúng ta đốt làm sao cho đúng, không nên đốt quá nhiều. Đặc biệt là khi đốt vàng mã phải hết sức cẩn thận phòng tránh cháy nổ. Không khuyến khích phật tử đốt vàng mã, nhưng đó là văn hóa chúng ta lưu truyền bao đời nay, gìn giữ làm sao cho văn hóa đó phải được phát huy tính trong sạch và lành mạnh. Nếu cứ nghĩ đốt được nhiều là được phước, được ông bà phù hộ mà sinh ra cháy nổ, hỏa hoạn là không được. Đốt vàng mã là tượng trưng cái tâm của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ”, Thượng tọa Thích Thanh Phong chia sẻ.
Việc đốt vàng mã cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm đúng, không lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường, hỏa hoạn, an ninh trật tự. Khi xã hội đã phát triển hoàn thiện theo công nghệ 4.0 thì tự nhiên mọi người sẽ bỏ tục đốt vàng mã như các nước. Hiện nay, chúng ta vẫn đang mượn phương tiện để nương vào phóng sinh, nương vào đốt vàng mã để tu tập, cải thiện thân tâm của mỗi người. Cách này đã trở thành phương tiện để cải hóa con người, nhưng cũng không khuyến khích lạm dụng như một cái gì đó để gây nên lãng phí, hao tiền tốn của một cách thái quá và thậm chí là gây nguy hiểm trong cuộc sống.