Sau khi thăm, khám và làm xét nghiệm cần thiết, bệnh nhi được chẩn đoán bị bỏng độ 2, áp xe, nhiễm trùng máu. Đây là hậu quả của việc gia đình cho bé nằm than cùng với mẹ.
Ngày đầu tiên nằm than, bé sốt nhẹ và quấy khóc. Sang ngày thứ hai, bé sốt cao liên tục không giảm, bụng chướng, sờ vùng da lưng thấy cứng, khóc nhiều hơn. Đến ngày thứ ba, bé khóc dữ đội, bỏ bú nên gia đình không cho bé nằm than nữa và đưa vào bệnh viện thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước để khám và điều trị.
Các bác sĩ ở đây nhận định bé có khả năng bị viêm ruột, sưng mô nên chuyển lên tuyến trên.
Tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, sau vài ngày điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhi giảm sốt nhưng tổn thương ở lưng không đỡ mà còn diễn tiến nặng hơn. Vùng lưng của bệnh nhi nổi bóng nước, da phập phều, vùng trung tâm bị hoại tử. Các bác sĩ đã phải rạch dẫn lưu mủ, điều trị chỗ áp xe cho bé, đồng thời tiếp tục điều trị kháng sinh.
Dự kiến, bệnh nhi sẽ mất khoảng 20-30 ngày mới có thể lành vết thương và hồi phục.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, quyền Trưởng khoa Sơ sinh, BV Nhi đồng 2, da trẻ sơ sỉnh rất mỏng, dễ bị tổn thương vì thế người dân không nên thực hiện sưởi ấm cho bé cho trẻ bằng than. Thỉnh thoảng đơn vị này có tiếp nhận một số trường hợp trẻ em bị bỏng do nằm than nhưng mức độ tổn thương không nặng như trường hợp này.
“Khi trời lạnh, phụ huynh có thể giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc quần áo ấm, đội nón, mang vớ. Tuyệt đối không để trẻ nằm than dễ gây bỏng cho trẻ, đồng thời khí CO2 khi đốt than có thể gây ngạt cho trẻ nếu nằm trong phòng kín”- bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh khuyến cáo.