Dễ gây tử vong, nguy kịch
Ngày 14-2, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra thêm một vụ ngộ độc khí than do sưởi ấm. Theo đó, do thời tiết giá lạnh, bà P.T.D. (59 tuổi) cùng chồng tên L.V.T. (58 tuổi) ở phố Tân Hưng, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, đã đốt than củi trong phòng ngủ. Sáng hôm sau, người thân không thấy vợ chồng bà D. ra khỏi phòng nên vào kiểm tra, phát hiện ông T. đã tử vong, bà D. trong tình trạng hôn mê.
Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trên địa bàn xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cũng đã xảy ra vụ ngạt khí làm 2 người chết, 2 người phải nhập viện cấp cứu do đốt than tổ ong sưởi ấm. Người nhà của nạn nhân cho biết, vào tối 3-2, do thời tiết rất lạnh nên bà T.T.C. (66 tuổi, trú thôn Điền, xã Quảng Nham) đốt than tổ ong trong phòng ngủ để chống rét. Ngủ cùng bà C. có con gái là chị D.T.P. (40 tuổi) và các cháu Đ.D.A. (12 tuổi), Đ.V.T. (9 tuổi). Đến sáng hôm sau, người thân không thấy bà C. cùng mẹ con chị P. thức dậy như bình thường nên vào phòng gọi thì phát hiện bà C. và cháu T. đã tử vong, chị P. và cháu A. trong tình trạng hôn mê được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Bác sĩ Lê Văn Sĩ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết, ngay khi tiếp nhận 2 mẹ con chị P., các bác sĩ đã tập trung cấp cứu, hỗ trợ hô hấp, điều trị và chăm sóc tích cực. May mắn là hai mẹ con đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần bình phục và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do đốt than, đốt củi sưởi ấm ở trong nhà vào thời điểm miền Bắc rét đậm, rét hại. Đáng báo động, hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, bị tổn thương não, dẫn tới hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Theo các bác sĩ, việc sử dụng bếp than, bếp củi, hay máy phát điện trong phòng kín sẽ tiêu thụ oxy rất nhanh, đồng thời sinh ra khí CO2 và CO, dễ gây ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.
Hiểm họa khôn lường
Thực tế, cơ quan y tế có nhiều cảnh báo và khuyến cáo về việc không nên sưởi ấm trong mùa lạnh bằng việc đốt than, củi trong phòng ngủ nhưng vẫn có không ít vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bởi lâu nay ở một số vùng nông thôn, hay những gia đình khó khăn vẫn có thói quen đốt than củi, than hoa, thậm chí là than tổ ong để sưởi ấm. Không chỉ có vậy, nhiều gia đình có phụ nữ sau sinh, người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ còn đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm để sưởi ấm vào mùa lạnh. Theo nhiều người, ngoài việc làm ấm cơ thể, sưởi bằng than còn giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, đây là thói quen nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khi hít phải khí CO, nạn nhân nhanh chóng bị giảm oxy trong máu, gây đau đầu, chóng mặt, đau ngực, di chứng thần kinh hoặc có thể bị tâm thần. Thậm chí, hít phải lượng lớn khí CO, nạn nhân có thể bất tỉnh và tử vong nhanh, đặc biệt là với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người già mắc các bệnh về tim, phổi mãn tính. Quá trình nhiễm độc khí than diễn ra rất nhanh, khi nạn nhân bắt đầu cảm thấy những bất thường thì chân tay không thể cử động được, hôn mê và tử vong. Việc cứu chữa những nạn nhân bị ngộ độc khí than rất khó khăn. Bởi khi sự cố xảy ra, nếu bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời, thì não lâm tình trạng thiếu oxy kéo dài. Trong trường hợp này, dù có cứu được, bệnh nhân phải sống thực vật, giảm trí nhớ hoặc đi đứng khó khăn, thậm chí liệt nửa người.
Để phòng tránh những vụ tai nạn đáng tiếc như trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không được đốt các loại than, củi trong phòng kín, hay không gian chật hẹp để sưởi ấm. Đối với trường hợp cấp thiết, bắt buộc phải đốt than, củi để sưởi ấm, cần phải đảm bảo môi trường thông thoáng để tạo điều kiện lưu thông không khí. Khi người thân phát hiện nạn nhân bị nhiễm độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi, cần nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt. Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo, hoặc nếu nạn nhân không còn tỉnh táo thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến bệnh viện.
Khi đốt than, đốt củi sưởi ấm trong phòng kín sẽ tạo ra loại khí cực độc là Carbon Monoxide (hay còn gọi là CO). Trong cơ thể con người, CO có khả năng gắn với protein trong máu (Hb) cao gấp 200-250 lần so với khí oxy, tạo thành hợp chất bền vững HbCO (Carboxy Hemoglobin). HbCO làm giảm lượng oxy trong máu và là tác nhân gây ra các bệnh lý liên quan đến hô hấp, tim mạch, não…, gây nguy cơ tử vong cao. |