Lúc này, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc do quan ngại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khó có thể sớm giải quyết bất đồng thương mại.
Thị trường châu Á đi xuống
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới đã làm rung chuyển các thị trường tài chính. Tại Nhật Bản - thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á, chỉ số Nikkei 225 sáng ngày 21-11 giảm tới 1,3%. Kospi (Hàn Quốc) cũng mất 1,03%. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương theo dõi chứng khoán toàn khu vực (trừ Nhật Bản) mất 0,74%. Thị trường Trung Quốc mới mở cửa cũng giảm theo xu hướng chung. Shanghai Composite mất 0,41%. Trong khi đó, Hang Seng Index trên sàn chứng khoán Hong Kong mất 0,8%. Hàng loạt thị trường khác, từ Australia, New Zealand, Đài Loan, Malaysia, Singapore đến Thái Lan cũng chìm trong sắc đỏ.
Chứng khoán Mỹ đã lao dốc trong tuần này, một phần do lo ngại nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sau khi Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi thành lập vào năm 1993, đã không đưa ra được tuyên bố chung do sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đến nay, Mỹ đã áp thuế đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa tiếp tục sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD nếu hai bên không thể đạt một thỏa thuận về thương mại. Mỹ cũng tuyên bố sẽ không tái khởi động đàm phán thương mại cho tới khi nhìn thấy những đáp ứng cụ thể của Trung Quốc đối với các yêu cầu của Washington. Hiện các nước đang đặt hy vọng vào cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào ngày 29-11 tới ở Buenos Aires (Argentina). Đây được xem là cơ hội để hai nhà lãnh đạo tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề thương mại.
Lật lại bản quyền sở hữu trí tuệ
Trong cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” bằng thuế quan chưa có lối thoát, thì ngày 20-11, Mỹ cáo buộc Trung Quốc vẫn chưa thay đổi các hành động “không công bằng, vô lý và chi phối thị trường” được nêu rõ trong báo cáo điều tra Điều khoản 301 công bố hồi tháng 3 vừa qua.
Theo Bloomberg, bản báo cáo chi tiết dài 53 trang, theo đó cáo buộc Trung Quốc dường như đã “gia tăng các nỗ lực tấn công mạng” trong những tháng gần đây nhằm đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, y sinh học, không gian dân sự, năng lượng tái tạo, robot, đường sắt, máy móc nông nghiệp và thiết bị y tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm trong năm 2018, nhưng có những dấu hiệu cho thấy dòng vốn đang tập trung hơn vào các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ - lĩnh vực mà chính quyền ông Trump muốn bảo vệ. Đặc biệt, vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc vào các trung tâm công nghệ Mỹ như Silicon Valley đã tăng lên trong những tháng gần đây.
Theo các nguồn tin, chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện cũng đang xem xét việc thắt chặt các quy định đối với hàng xuất khẩu công nghệ cao. Trong đó có các sản phẩm công nghệ mới có ứng dụng bảo mật quốc gia, từ trí tuệ nhân tạo tới bộ vi xử lý và người máy.
Đây được cho là một động thái mới nhất có tác động tiêu cực lớn và lâu dài đối với quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên chỉ chiếm 40%, giảm so với tỉ lệ 50% trước đó, bởi động thái mới nhất này.
Màn công kích và đáp trả gay gắt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về tư tưởng giữa hai nước khó có thể thu hẹp, hay đạt được một tiến triển trong đàm phán tại cuộc gặp sắp tới.