Đốt rác thu hồi năng lượng là xu hướng tất yếu

Hội thảo góp ý Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt, xử lý chất thải cồng kềnh, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đã thu hút nhiều đại biểu từ các Sở TN-MT; chuyên gia và các công ty xử lý chất thải rắn khu vực phía Nam.


Ngày 2-8, tại TPHCM, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Bộ TN-MT đã tổ chức "Hội thảo góp ý Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt, xử lý chất thải cồng kềnh, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt".

Theo ban tổ chức, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nước ta đã có nhiều chuyển biến, nhiều công nghệ mới được áp dụng, đặc biệt là công nghệ đốt đã góp phần giảm thiểu xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; sự hình thành các cơ sở xử lý chất thải cồng kềnh, các cơ sở xử lý nước thải phát sinh từ quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang đề ra những nhu cầu trong thực tiễn phải có định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp để vận hành.

Tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao việc Bộ TN-MT đã khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo thông tư rất quan trọng trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng, ban hành các quy định chi tiết, cụ thể đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

20240802-134943-5076.jpg
Đại diện ban tổ chức chia sẻ thông tin tại hội thảo

Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, biện pháp xử lý rác sinh hoạt bằng phương pháp đốt có thu hồi năng lượng là xu hướng phát triển chung hiện nay. Tuy vậy, để có lựa chọn và áp dụng loại hình công nghệ này, từ kinh nghiệm quốc tế, việc lựa chọn tiêu chí để áp dụng thẩm định, đánh giá tính hiệu quả và sự phù hợp của loại hình công nghệ đốt rác có thu hồi năng lượng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam là vô cùng cần thiết.

20240802_144542.jpg
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ thông tin tại hội thảo

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng, Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và cũng sẽ có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Xác định đây là những định mức kinh tế - kỹ thuật lần đầu tiên được nghiên cứu xây dựng, có hàm lượng kỹ thuật cao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã và đang tích cực phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng như các địa phương để tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng dự thảo thông tư đảm bảo khoa học, chất lượng và phù hợp với thực tế.

Tin cùng chuyên mục