Đột quỵ và những con số “biết nói”
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ. Trong đó, khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu phải gánh chịu hậu quả thương tật vĩnh viễn do đột quỵ gây nên.
Ở Việt Nam, mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca bị đột quỵ mới và 11.000 ca tử vong do đột quỵ. Theo công bố của Bệnh viện Đà Nẵng thì trong tuần đầu tháng 8-2022 đã liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ, trong đó đáng lưu ý là các trường hợp phình mạch não, dị dạng động tĩnh mạch não gây xuất huyết não ở người trẻ, tuổi từ 25-43.
Các triệu chứng thường gặp khi bị xuất huyết não là đau đầu đột ngột, dữ dội, ói mửa, chóng mặt… 80% ca phình não đến bệnh viện trong tình trạng đã vỡ, thường chỉ 20% là được tầm soát (chụp CT mạch não, chụp MRI mạch não đánh giá các nguy cơ từ vị trí đau đầu) lúc chưa vỡ. Cũng theo công bố của Bệnh viện Đà Nẵng, trong hơn 50 ca đang điều trị tại Khoa Đột quỵ của bệnh viện này thì có 1/5 là xuất huyết não và nhiều ca là người dưới 45 tuổi. Trung bình mỗi năm, bệnh viện này có khoảng hơn 100 trường hợp vỡ túi phình cần phải mổ hoặc can thiệp.
Cùng với đó là tình trạng ít hoặc lười vận động. Nhiều người sau giờ làm thường dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại, thậm chí thức khuya để lướt điện thoại mà không chú ý tập thể dục, vận động cơ thể. Điều này làm thay đổi nội tiết khiến các phản ứng sinh hóa trong cơ thể không được diễn ra cân bằng. Cũng có yếu tố về gen, di truyền song có thể nói lối sống thiếu lành mạnh, tích cực, cộng với môi trường ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến ung thư, đột quỵ ở người trẻ tuổi.
Đột quỵ có thể tầm soát và phòng ngừa
Đột quỵ hiện được xem là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở mọi quốc gia. Theo các nghiên cứu, đột quỵ não được phân thành 2 loại chính là đột quỵ thiếu máu não do tắc mạch máu não (nhồi máu não) chiếm 80% và đột quỵ chảy máu não do vỡ mạch máu não (xuất huyết não) chiếm 20%.
Khác với các bệnh lý khác, đột quỵ não thường xảy ra bất ngờ, đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, thường là trên cơ thể người đang khỏe mạnh, đang sinh hoạt, làm việc bình thường và không loại trừ bất cứ ai; đến khi có biểu hiện ra ngoài thì đã ở giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, các bệnh mạch máu não khác như dị dạng mạch máu não bẩm sinh, phình mạch máu não,… cũng là nguy cơ tiềm ẩn khó đoán gây đột quỵ ở người trẻ và trẻ em.
“Với hệ thống máy MRI 3.0 Tesla Lumina mà Thiện Nhân Đà Nẵng đã đi đầu trong trang bị sẽ giúp khách hàng phát hiện sớm các dấu hiệu có thể gây đột quỵ não để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, không để dẫn tới những biến chứng nguy hiểm”, ThS. BS Ngô Đức Hải cho biết.