* Ông GIANG MẠNH HÙNG, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12, TPHCM: Rộng mở cơ hội thoát nghèo cho người dân
Những năm qua, TPHCM luôn quan tâm đến công tác chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất của người dân, nhất là công tác giảm nghèo bền vững với các chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, cho học sinh sinh viên vay vốn. Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được kỳ họp Quốc hội tới đây xem xét có đề xuất cơ chế cho phép HĐND TPHCM được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua UBND TPHCM ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay hỗ trợ là cơ chế chính sách rất nhân văn và cần thiết.
Nghị quyết mới này sẽ cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là TPHCM sẽ phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân; nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững, nâng mức chuẩn nghèo của thành phố cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người dân và cư dân nông thôn…
Với việc cho phép HĐND TPHCM được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, thành phố sẽ chủ động hơn trong việc bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân là hộ nghèo và hộ gia đình chính sách được tiếp cận thuận lợi, mở ra cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
* Bà NGUYỄN NGỌC THỦY (phường 16, quận 8, TPHCM): Chăm lo tốt hơn đời sống người lao động
Tôi cho rằng, không chỉ người dân sinh sống và làm việc tại TPHCM, mà người dân cả nước đều mong muốn dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được Quốc hội sớm thông qua. Điều này sẽ tạo điều kiện, động lực cho thành phố phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Trong đó, người dân, nhất là người lao động sẽ được hưởng lợi rất lớn từ cơ chế, chính sách mới. Cụ thể, đó là những chính sách chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe...
Hiện tại, chi phí sinh hoạt tại đô thị lớn như TPHCM rất cao, người lao động, nhất là lao động phổ thông, sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng mỗi khi giá cả tăng cao hoặc tình hình kinh tế khó khăn. Do đó, những chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vay vốn... là rất thiết thực, như những “chiếc phao” giúp người lao động vươn lên thoát nghèo, an tâm mưu sinh, ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, tôi quan tâm đến chính sách chăm lo sức khỏe cho người dân. Điều này rất quan trọng, vì vậy những cơ chế, chính sách cho lĩnh vực y tế cần được quan tâm hơn, nhất là đầu tư cho y tế cơ sở. Bởi khi người lao động được chăm sóc sức khỏe tốt từ đầu, từ cơ sở sẽ vừa giúp giảm thời gian, chi phí vừa giúp giảm tải áp lực cho y tế ở tuyến trên.
* Bà TRẦN THỊ KIM YẾN (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM): Phát triển hệ thống y tế xứng tầm
Là người công tác trong lĩnh vực y tế nhiều năm nay, tôi thấy ngành y tế còn nhiều bất cập như bệnh viện quá tải, thiếu thuốc men, trang thiết bị, nhiều nhân sự nghỉ việc… Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng trên chính là vướng mắc trong cơ chế, chính sách.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM, trong đó nêu rõ: “Ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN”.
Theo tôi, đây là chủ trương rất đúng đắn, đáp ứng được mong mỏi của người dân TPHCM bấy lâu nay.
Thông qua báo chí, tôi được biết ngành y tế thành phố thời gian qua có nhiều khát vọng phát triển hệ thống y tế xứng tầm với khu vực và thế giới như đề án “Hình thành trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao”. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu này, cần thiết phải mở ra cho TPHCM nhiều cơ chế thông thoáng hơn, để thành phố được chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, tháo gỡ những khó khăn trong thể chế, từ đó cán bộ mới tự tin thực thi nhiệm vụ.