Ông Anwar cho biết, kế hoạch ngân sách lần này có 3 trọng tâm: quản trị tốt để đảm bảo tính linh hoạt của dịch vụ; tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện mức sống của người dân. Chính phủ sẽ hỗ trợ người dân giảm chi phí sinh hoạt thông qua việc phân bổ trợ cấp cho thực phẩm, nhiên liệu và các nhu cầu thiết yếu khác.
Malaysia cũng đặt mục tiêu tăng nguồn thu mà không tạo gánh nặng cho người dân với việc đánh thuế cao đối với hàng hóa xa xỉ, tăng thuế bán hàng và dịch vụ từ mức 6% hiện nay lên 8%, không bao gồm thực phẩm, đồ uống và viễn thông. Theo người đứng đầu Chính phủ Malaysia, điều này là phù hợp với kế hoạch xây dựng khuôn khổ kinh tế mới của Malaysia với tên gọi nền kinh tế Madani, nhằm nâng cao đời sống cho người dân.
Nền kinh tế Madani, được Thủ tướng Anwar công bố hồi cuối tháng 7, là một sáng kiến toàn diện nhằm giúp Malaysia giải quyết các thách thức kinh tế hiện nay. Sáng kiến đặt ra 7 mục tiêu trong 10 năm tới, gồm: đưa Malaysia vào tốp 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới; nằm trong nhóm 12 nước đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu; nằm trong nhóm 25 nước có Chỉ số phát triển con người hàng đầu thế giới; nằm trong nhóm 25 nước đứng đầu về Chỉ số nhận thức tham nhũng…
Tuy nhiên, Báo The Straits Times dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, các biện pháp mới về thuế lần này sẽ chỉ là một bước đệm, chưa phải là một yếu tố thay đổi thực sự tác động đến kho bạc của Malaysia (dự kiến nguồn thu từ thuế chỉ tăng ở mức khiêm tốn 1,5% trong năm 2024).
Wan Suhaimie Saidie, Giám đốc nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng đầu tư Kenanga (Malaysia), nhận định: "Chính phủ Malaysia đang có chiến thuật về thuế. Nó không mang lại hiệu quả nhiều như mong đợi, nhưng có thể được mở rộng theo từng giai đoạn. Tôi cho rằng chính phủ đang thận trọng, không muốn đặt gánh nặng quá sớm lên tầng lớp trung lưu".