Chuyên gia Yang Liu cho biết, họ đã sử dụng màng sinh học vi khuẩn, một chất dính do vi sinh vật tạo ra, để thu thập các hạt vi nhựa. Loại vi khuẩn nhóm nhà khoa học sử dụng là Pseudomonas aeruginosa, có thể tìm thấy trong mọi môi trường sống và đã được chứng minh có khả năng sinh sống trên hạt vi nhựa. Màng sinh học của vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa sẽ khiến các hạt vi nhựa kết tụ với nhau, tập trung vào một lò phản ứng sinh học (bioreactor). Tại đây, các nhà khoa học sẽ sử dụng phương pháp phân tán màng sinh học, khiến màng sinh học giải phóng vi nhựa. Rồi từ đó, họ mang các hạt vi nhựa được thu gom đi tái chế.
Tiến sĩ Joanna Sadler, nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh (Anh), nhận định công trình của nhóm tác giả đến từ Đại học Bách Khoa Hồng Công thực sự là một đột phá trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; bởi một trong những thách thức lớn nhất khi làm việc với hạt vi nhựa là thu giữ các hạt nhỏ này để sau đó có thể phân hủy chúng và loại bỏ khỏi môi trường.
Hạt vi nhựa là những mảnh nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm, vô tình được thải ra môi trường trong quá trình sinh sống của con người (ví dụ, hạt vi nhựa được tìm thấy trong túi hoặc chai nhựa). Hạt vi nhựa không dễ phân hủy sinh học nên tồn tại trong thời gian dài và tích tụ các hóa chất độc hại trong đó. Hiện chưa có phương pháp phổ biến nào để loại bỏ hạt vi nhựa.