Bỏ lỡ thị phần
Theo Bộ GTVT, với hệ thống sông, rạch dày đặc, đặc biệt ở khu vực Nam bộ, lẽ ra đường thủy nội địa (ĐTNĐ) là hình thái giao thông thế mạnh của Việt Nam. Với ưu điểm chi phí chỉ bằng 1/4 vận tải đường bộ, 1/2 vận tải đường sắt, vận tải ĐTNĐ được cho là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics, hạ giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế, ĐTNĐ Việt Nam lại đang chiếm thị phần nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư cho ĐTNĐ còn thấp, dẫn đến kết cấu hạ tầng các cảng, bến chưa đồng bộ; luồng lạch không đồng cấp, phương tiện vận tải thủy lạc hậu.
Cầu cảng được nhập nguyên kiện về cảng Quốc Tế Long An tháng 11-2022. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông, cho biết trong suốt thời gian dài, tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực ĐTNĐ luôn ở mức thấp nhất, chỉ hơn 2% tổng đầu tư của ngành giao thông, trong khi đầu tư cho đường bộ chiếm hơn 70%. Về nguồn vốn xã hội hóa, lĩnh vực ĐTNĐ cũng không hấp dẫn các doanh nghiệp do thiếu cơ chế khuyến khích.
Hậu quả lớn nhất của việc đầu tư quá thấp cho vận tải ĐTNĐ là đã bỏ lỡ một thị phần rất quan trọng về đảm nhận hàng container tại các cảng biển. Tại khu vực TP Hải Phòng, tỷ lệ vận tải ĐTNĐ đảm nhận hàng container chỉ đạt khoảng 1,8%; khu vực TPHCM đạt khoảng 11%; riêng khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khả quan hơn, đạt 72%.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, thông tin, hiện trong hệ thống có rất ít cảng thủy đủ tiêu chuẩn bốc dỡ container. Bên cạnh đó, việc tổ chức vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics ở các cảng chính cũng chưa được thực hiện; việc kết nối với hệ thống đường bộ còn khó khăn. Đặc biệt, việc hàng container không thể vận chuyển bằng ĐTNĐ còn do nhiều cầu được xây dựng từ nhiều năm trước như cầu Đuống (Hà Nội), cầu Bình Triệu cũ (TPHCM), cầu Đồng Nai, cầu An Thái (Hải Dương)… có tĩnh không quá thấp.
Về luồng tuyến, tuy mạng lưới giao thông thủy dày đặc nhưng lại nhiều bất cập, không đảm bảo độ sâu, chiều rộng cho phương tiện trọng tải lớn. Đơn cử, kênh Chợ Gạo trên tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn chưa bảo đảm cho các phương tiện đi lại.
Được tiếp cận nhiều nguồn vốn
Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, hệ thống đường thủy quốc gia sẽ có 9 hành lang, gồm: 1 hành lang ven biển (khu vực miền Trung), 4 hành lang khu vực miền Bắc, 4 hành lang khu vực miền Nam. Cả nước cũng sẽ có 54 cụm cảng hàng hóa và 39 cụm cảng hành khách. Để thực hiện quy hoạch này, Bộ GTVT đang nghiên cứu theo hướng xây dựng cơ chế để lấy vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành 2 quyết định quan trọng đối với phát triển ĐTNĐ, gồm: Quyết định số 21/2022/QĐ-TTg về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải ĐTNĐ, có hiệu lực từ ngày 25-12-2022; Quyết định số 1269/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng ĐTNĐ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vận chuyển container bằng sà lan tại khu vực sông Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là những chỉ đạo mới nhất, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển lĩnh vực ĐTNĐ, nhằm sớm đạt các mục tiêu đề ra. Trong các quyết định này, cơ chế chính sách cho phát triển ĐTNĐ có nhiều điểm mới, như lĩnh vực ĐTNĐ sẽ được tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm kết nối thuận lợi, hiệu quả đến các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với hệ thống cảng biển. Bên cạnh đó, lĩnh vực ĐTNĐ cũng sẽ được bố trí vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng, bố trí vốn ngân sách thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin…
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện, cảng thủy nội địa; ưu tiên ngân sách, bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng container ở phía Bắc và khu vực ĐBSCL. Với những điểm mới về cơ chế chính sách này, ĐTNĐ đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, ĐTNĐ có thể đạt khối lượng vận chuyển hàng hóa khoảng 715 triệu tấn; vận chuyển 397 triệu lượt khách.
Thông tin từ Bộ GTVT cũng cho biết, các dự án ĐTNĐ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vẫn đang đảm bảo tiến độ, bao gồm: dự án phát triển hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam; dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; dự án nâng tĩnh không cầu Đuống… Riêng dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến ĐTNĐ quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) vừa được Bộ GTVT phê duyệt và sẽ sớm triển khai.
* Ông NGUYỄN NGỌC HẢI, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam:
Đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng, phương tiện
Để phát huy được các ưu thế của vận tải ĐTNĐ, phải đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng, phương tiện. Trong đó, phải bố trí nguồn vốn ngân sách tương xứng để nâng cao năng lực và kết nối với các phương thức vận tải khác. Bên cạnh đó, cần có chính sách, cơ chế ưu tiên, ưu đãi riêng cho lĩnh vực ĐTNĐ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
Bộ GTVT thông tin, một số dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến ĐTNĐ quốc gia giai đoạn 1 đã được phê duyệt triển khai. Trong đó có các cầu được xây dựng mới, gồm: cầu Ô Môn, cầu Thới Lai qua rạch Ô Môn; cầu Đông Thuận, cầu Đông Bình qua kênh Thị Đội - Ô Môn; cầu Vàm Xáng - Thị Đội qua kênh Thốt Nốt; cầu Sa Đéc (Nàng Hai) qua kênh Lấp Vò - Sa Đéc; cầu Mộc Hóa qua sông Vàm Cỏ Tây; cầu Hồng Ngự qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; cầu Mỏ Cày qua kênh Mỏ Cày và hai tuyến đường dẫn kết nối với tuyến tránh QL60 (phía Bắc), kết nối với QL60 (phía Nam). Đồng thời, cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu Giồng Găng qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; tháo dỡ, thanh thải cầu Măng Thít cũ qua sông Măng Thít.