Mùng 4, mùng 5 Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tiến độ, tháo gỡ các khó khăn trong thi công nhiều đoạn tuyến thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Mùng 6 Tết, có mặt tại đại công trình Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói thẳng: “Đề nghị các bộ, ngành, đơn vị bàn rõ việc, rõ trách nhiệm; ai làm được thì quyết tâm ra sức thực hiện; ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm”. Cũng tại dự án này, một xung lực mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã thường xuyên đón các vị lãnh đạo của Trung ương đến thị sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để dự án sớm về đích!
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, dự án đường Vành đai 3 TPHCM được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, mong muốn có được sự đồng thuận từ các đại biểu để dự án được thông qua, triển khai sớm nhất. Điểm đặc biệt của dự án là chưa có tiền lệ: Trung ương và địa phương cùng góp vốn triển khai! Trong thời gian rất ngắn, TPHCM đã phối hợp các địa phương có tuyến đường đi qua, chuẩn bị hết sức nghiêm túc. Các địa phương đồng lòng mong muốn dự án được sớm triển khai.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và Tiền Giang, là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 42% tổng thu ngân sách của cả nước. Chỉ tính riêng năm 2021, mặc dù bị đại dịch Covid-19 hoành hành, gây tổn thất nghiêm trọng, nhưng các địa phương trên đã thu ngân sách hơn 605.000 tỷ đồng, so với tổng số 1.563.000 tỷ đồng của cả nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc đầu tư hệ thống giao thông cho khu vực này chưa tương xứng. Đó là chưa nói, các tuyến giao thông kết nối từ TPHCM nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến với ĐBSCL nói chung, triển khai rất chậm. Những tuyến cao tốc vừa đưa vào sử dụng đã bị kẹt xe, tốc độ chậm chạp, không chỉ xảy ra trong những ngày lễ, tết. Đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TPHCM - Trung Lương, hoặc cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đưa vào khai thác, cho dù đã góp phần rất lớn giải phóng áp lực cho tuyến quốc lộ 1A, nhưng thực tế đã bị quá tải. Hiện tượng này nói lên điều gì? Hệ thống giao thông hiện tại quá tụt hậu so với hiện trạng kinh tế, xã hội của khu vực. Với hạ tầng như vậy, chỉ đi lại thôi đã khó khăn, làm sao kỳ vọng tăng trưởng kinh tế nhanh?
Việc đầu tư hạ tầng giao thông cho TPHCM cũng như ĐBSCL đang ở thời điểm hết sức thuận lợi. Về cơ bản, hệ thống giao thông các vùng miền khác đã được đầu tư tương đối hoàn tất, đây là cơ sở để dồn lực đầu tư cho vực phía Nam. Nếu các dự án được triển khai đúng kế hoạch, đến năm 2025 hoàn thành một số tuyến đường, dự án như cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, tuyến metro số 1, đường Vành đai 3, đường Vành đai 2 (TPHCM)… sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị cho cả khu vực.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là vốn. Minh chứng rõ nét nhất, cho dù Chính phủ đã đôn đốc giải ngân đầu tư công nhưng việc thực hiện rất chậm. Rõ ràng, quyết tâm thôi chưa đủ, chúng ta cần có chính sách tổng thể, đó là thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia, sẽ tạo nên đột phá phát triển hạ tầng giao thông. Nên “ưu tiên” những công trình cầu, đường có khả năng thu hồi vốn nhanh để cho các thành phần kinh tế khác tham gia, Nhà nước dùng ngân sách làm những công trình còn lại. Với cách làm như vậy, không chỉ đường Vành đai 3 TPHCM mà hệ thống giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như cả khu vực phía Nam, sẽ được đầu tư đồng bộ. Khi điểm nghẽn hạ tầng được tháo gỡ, kinh tế khu vực sẽ “bùng nổ”, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả đất nước!