Bộ trưởng Bộ KH-CN vừa ban hành Chương trình hành động của Bộ KH-CN thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 8-1-2025) của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 8-1-2025) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Trong đó, Bộ KH-CN xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá”. Hiện nay, Bộ KH-CN đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, bộ đang xây dựng, hoàn thiện 3 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Theo tinh thần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22-12-2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ KH-CN sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, để triển khai các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù về KH-CN và đổi mới sáng tạo; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển tổ chức KH-CN công lập; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả thị trường KH-CN, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH-CN...
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đưa ra những quan điểm rất đổi mới để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế trong lĩnh vực KH-CN và đổi mới sáng tạo. Ví dụ như quan điểm xác định đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đầu tư lâu dài, không phải đầu tư ngắn hạn.
Tức là phải có độ trễ, chấp nhận rủi ro; hay tiến hành cập nhật, điều chỉnh các cơ chế, chính sách về đầu tư mua sắm công, sở hữu trí tuệ, về giao việc quản lý nhiệm vụ KH-CN để các đơn vị chủ trì sở hữu kết quả nghiên cứu..., từ đó tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển tiếp và ứng dụng ra cuộc sống. Đây là một thay đổi lớn về nhận thức, quan điểm trong việc quản lý, đầu tư và phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo.
Cùng với việc quyết liệt thực hiện tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy hệ thống chính trị, Nghị quyết số 57-NQ/TW đang được xem là “chìa khóa vàng” để giúp đất nước thực sự chuyển mình, bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó, KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nền tảng và phương thức để sớm đạt được những mục tiêu mà chúng ta đặt ra đến năm 2030 và 2045.
Có thể xem việc thực hiện quyết liệt, kịp thời Nghị quyết số 57-NQ/TW chính là sự “đột phá của đột phá” về thể chế hiện nay trong KH-CN, để từ đó giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng các nguồn lực khác nhau của xã hội. Việc tập trung đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới phương thức làm việc, tích lũy tư liệu sản xuất mới dựa trên dữ liệu... góp phần to lớn đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia có thu nhập cao, đảm bảo an ninh quốc phòng một cách bền vững.