Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cùng đại diện các cơ quan bộ, ngành liên quan và hơn 350 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lẫn doanh nghiệp trong nước.
Thu hút đầu tư tăng nhanh
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ sự vui mừng được đón tiếp lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI với niềm tin tưởng các doanh nhân đến hội nghị với tâm huyết muốn góp phần cùng TPHCM ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm qua đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của TPHCM. Thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và TP đang đẩy mạnh triển khai để đưa Nghị quyết số 54 đi vào cuộc sống. Thứ hai, TP đã thông qua Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Thứ ba, việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng các doanh nghiệp vừa và nhỏ và Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 trong khuôn khổ năm APEC Việt Nam 2017.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cũng trong năm qua, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 8,25%, gấp 1,25 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước và giúp TP giữ được tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế cả nước ở mức khoảng 22%. Lần đầu tiên, quy mô nền kinh tế TP vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm 2017, về thu hút đầu tư đã có 41.629 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký thành lập mới là 603.900 tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 118.107 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng hơn 324.423 tỷ đồng.
Về thu hút FDI, 5 năm trở về trước TPHCM có gặp khó khăn, nhưng nhờ các nỗ lực quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
- Năm 2016, TPHCM thu hút 3,46 tỷ USD vốn FDI.
- Năm 2017, TPHCM thu hút 6,6 tỷ USD vốn FDI.
- Từ đầu năm đến hết tháng 3-2018, TPHCM thu hút 1,37 tỷ USD vốn FDI (cả nước là 5,8 tỷ USD).
Qua đó, chỉ tính riêng trong năm 2017, đã có 845 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 2,37 tỷ USD; 193 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 1,02 tỷ USD; 2.357 trường hợp FDI thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn đăng ký tương đương khoảng 2,22 tỷ USD.
Nếu năm 2016, TP chỉ thu hút được 3,46 tỷ USD vốn FDI, thì năm 2017 là 6,6 tỷ USD, tăng hơn 90%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ cho phát triển kinh tế TP. Nhờ vậy, thu hút FDI của TPHCM từ chỗ chỉ chiếm 13% cả nước năm 2016, đến năm 2017 chiếm 18,4% của cả nước (35,88 tỷ USD).
Từ đầu năm đến hết tháng 3-2018, TP đã thu hút được 1,37 tỷ USD vốn FDI (cả nước là 5,8 tỷ USD).
Cần sự hiến kế của doanh nghiệp
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả mà TP đã đạt được trong những năm qua, cũng còn những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế của TP.
Cụ thể, năm 2017, khi tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM đến năm 2020, TP đã nhận định, đánh giá và chỉ ra những hạn chế, yếu kém và những nguyên nhân chủ quan, khách quan của các hạn chế, yếu kém đó, trong hơn 30 năm phát triển TP.
Đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông lạc hậu, áp lực quá lớn về quá tải trong các bệnh viện, trường học và nhà ở do dân số gia tăng quá nhanh (cứ 5,5 năm dân số TP tăng thêm 1 triệu người, bằng 1 tỉnh trong cả nước). TP chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập nước nghiêm trọng đã gây trở ngại cho sự phát triển nhanh, bền vững của TP, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đến đời sống của người dân TP.
Cùng với đó, dù các cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đã được quan tâm thực hiện nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Cụ thể như công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng chưa chủ động, chưa đồng bộ và hiệu quả đạt được chưa cao, chưa tạo ra sự hài lòng thật sự cho doanh nghiệp và người dân TP.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, năm 2018 là một năm có ý nghĩa, năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Với tinh thần này, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Và mở đầu cho việc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch này, TP đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư xử lý chất thải ứng dụng công nghệ hiện đại biến rác thành điện (dự kiến đầu thầu trong năm 2018). Hội nghị giới thiệu dự án mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ở ven và trên kênh rạch; công khai hóa quy hoạch sử dụng đất để người dân và doanh nghiệp có thể xem được trên mạng internet. TP đã và đang phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới đánh giá lại tình hình thu, chi ngân sách TP, tiến hành xếp hạng tín nhiệm và tiến tới phát hành Trái phiếu; TP đang rà soát các cơ sở nhà đất để tiến hành bán đấu giá, hoàn chỉnh kế hoạch để cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước…
Năm 2018 cũng là năm TP triển khai Đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, với 4 mục tiêu của đô thị thông minh là: Đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục tốt; người dân được chính quyền phục vụ tốt; người dân và tổ chức xã hội tham gia quản lý và giám sát.
Để phát triển hướng tới 4 mục tiêu này, TP sẽ tập trung triển khai 4 giải pháp: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của TP; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh thông tin.
Đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, TP sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế xây dựng một khu đô thị sáng tạo của TP, tích hợp 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với 12 trường đại học, trên 1.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 70.000 sinh viên, dân số gần 1 triệu người, làm hạt nhân trong việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ưu tiên lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo sự phát triển và hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính TP, Thành ủy TPHCM, Hội đồng nhân dân TPHCM đã ban hành các văn bản, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của nhân dân.
TP triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) vào nhóm 16 địa phương dẫn đầu cả nước.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, lãnh đạo UBND TPHCM có những chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ngành nghiên cứu những nội dung phát biểu, hiến kế của các doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển đầu tư, kinh doanh, gắn bó lâu dài với TP; chú trọng trao đổi, phản hồi kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật trong giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Góp ý tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều mong muốn hiến kế, chung sức xây dựng TP thông minh.
Ông John Rockhold, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), đánh giá sự cần thiết về xây dựng TP thông minh tại TPHCM. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng TP thông minh. Amcham phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin Truyền thông và các tỉnh, thành Việt Nam đã thành lập Hiệp hội Công nghiệp TP thông minh Hoa Kỳ - Việt Nam. Hiện có 30 doanh nghiệp thành viên có các giải pháp và chuyên môn, gồm quy hoạch đô thị, phần mềm, phần cứng, năng lượng và công nghệ xử lý nước thải.
Hiệp hội đã có một số kết quả hoạt động tại Khánh Hòa (ký bản thỏa thuận ghi nhớ với Microsoft Việt Nam về xây dựng thí điểm mô hình thành phố thông minh Nha Trang) và Đà Nẵng (hoàn thành giai đoạn dự án chính quyền điện tử vào năm 2013). Amcham sẵn sàng phối hợp với TPHCM để xây dựng thành công TP thông minh.
Tương tự, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu, cho biết sẽ hiến kế nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong mắt bạn bè châu Âu và thế giới. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu sẽ có các hoạt động thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết trong năm 2018.
Ông Michele D'Erocole, Chủ tịch Phòng Thương mại Ý (Icham) tại Việt cũng đánh giá cao dự án xây dựng TP thông minh của TPHCM, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng TP thông minh của Ý tại TP Milan và cảng Genoa. Ông Michele D'Erocole góp ý, chính quyền TPHCM khi lựa chọn phương án xây dựng phát triển đô thị cần xem xét nhu cầu hiện tại cũng như tương lai của người dân.
Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham), đề xuất Việt Nam cần làm rõ lợi ích bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài; phát triển ngành logistic, giảm chi phí logistic để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển. Các lĩnh vực thuế, hải quan cần ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, số hóa trong tất cả vùng, miền của Việt Nam.
Riêng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAH), ông Onose kiến nghị một số vấn đề liên quan đến Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về việc quy định nhà sản xuất thực phẩm bổ sung một số thành phần dinh dưỡng đối với mặt hàng muối, bột mì, dầu thực vật. Ông cho rằng, để thực hiện quy định này, các nhà đầu tư sản xuất thực phẩm liên quan sẽ chịu thêm các chi phí phát sinh trong việc đầu tư xây dựng và vận hành các trang thiết bị mới.
“Đề nghị cho biết, những hỗ trợ của chính quyền với doanh nghiệp về việc phát sinh những chi phí nêu trên khi áp dụng quy định trong Nghị định này”, ông Onose nêu vấn đề.
Liên quan Nghị định thực thi các điều khoản trong Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm các quy định về việc xây dựng cơ sở vật chất chứa và xử lý nước thải, ông Onose cho rằng, quy định hình thành các tiêu chí phân tích và phân loại cũng như các tiêu chuẩn về thông số kỹ thuật cần được cụ thể, hợp lý và rõ ràng để đảm bảo việc vận dụng quy định này không bị sai và nhầm lẫn. Về Thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 100/2016/NĐ-CP, ông Onose phản ảnh vấn đề xử lý thuế giá trị gia tăng trong giai đoạn từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-2-2018 vẫn áp dụng của Thông tư 130 và Nghị định 146, doanh nghiệp Nhật Bản không được hoàn thuế trong khoảng thời gian này.